MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

GDP cả năm vẫn có khả năng đạt mức tăng trưởng 6,5%

TRÍ MINH LDO | 07/04/2023 11:20
Mới đây, TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố những dự báo về kinh tế vĩ mô, tăng trưởng GDP năm 2023 sau những kết quả đạt được ở quý I/2023.

Cụ thể, về tăng trưởng GDP, các chuyên gia nhận định trong bối cảnh quốc tế khó khăn cùng với những thách thức nội tại, Việt Nam phải nỗ lực, quyết tâm nhiều hơn nữa mới đạt mức tăng trưởng khả quan hơn.

Với kết quả tăng trưởng khá thấp của quý I (3,32% so với cùng kỳ), dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 có thể đạt 5,5-6% (kịch bản cơ sở), trong đó dự báo tăng trưởng các quý còn lại lần lượt là 7%, 6% và 6,5%.

Mặc dù việc Trung Quốc đã mở cửa từ tháng 1.2023 sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng, thương mại, đầu tư, du lịch... toàn cầu và Việt Nam, song sẽ khó bù đắp được tác động tiêu cực từ môi trường quốc tế, cũng như sự sụt giảm đáng kể từ các đối tác lớn của Việt Nam. 

Cần những quyết tâm lớn để hướng tới mục tiêu GDP tăng 6,5% cả năm. Ảnh: Hải Nguyễn

Tuy nhiên, khả năng đạt được mức tăng trưởng cao hơn (6-6,5%) vẫn có thể xảy ra nếu quyết tâm thực hiện một số giải pháp. 

Về lạm phát, áp lực lạm phát vẫn còn do cả yếu tố cầu kéo (lực cầu tiêu dùng khá cao, cung tiền và vòng quay tiền cải thiện hơn năm trước) và chi phí đẩy (giá dầu và giá hàng hóa, dịch vụ thế giới còn ở mức cao, nhất là khi Trung Quốc mở cửa trở lại làm tăng lực cầu).

Tuy nhiên, lạm phát của Việt Nam đang hạ nhiệt dần và dự báo CPI cả năm 2023 tăng khoảng 4-4,5% nhờ tác động cộng hưởng của các yếu tố tích cực cho kiềm chế lạm phát (giá cả và lạm phát toàn cầu đang hạ nhiệt, tỉ giá ổn định, lãi suất tiếp tục giảm, lực cầu còn yếu và các biện pháp kiểm soát lạm phát phối hợp đồng bộ, hiệu quả hơn).

Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô năm 2023, TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra một số kiến nghị như các bộ, ngành, địa phương cần bám sát tình hình; chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế để có kịch bản ứng phó phù hợp; tiếp tục bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường (nhất là thị trường tài chính, bất động sản) nhằm củng cố niềm tin nhà đầu tư và người dân.

Các trung tâm kinh tế như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội… cần phát huy tốt hơn vai trò đầu tàu, lan tỏa và kết nối của mình.

Đẩy mạnh triển khai Chương trình phục hồi và giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, đầu tư cơ sở hạ tầng; trong đó, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án, giải phóng mặt bằng, cải cách mạnh thủ tục hành chính trong đầu tư, xây dựng; kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai; tiếp tục chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả trong phối hợp chính sách (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác) nhằm đảm bảo thực hiện tốt các cân bằng: Giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng, giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Xây dựng chiến lược, giải pháp cụ thể để tăng tính độc lập, tự chủ, tự cường và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, tăng cường kiểm soát rủi ro hệ thống (đặc biệt là giữa thị trường chứng khoán, ngân hàng, bất động sản); đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, bao gồm cả tháo gỡ rào cản, chú trọng khâu thực thi và phối hợp chính sách, xây dựng thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, vừa tận dụng cơ hội, vừa hỗ trợ vượt qua khó khăn, thách thức. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn