MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gen Z trở thành lực lượng lao động nòng cốt tại doanh nghiệp Đà Nẵng

Hương Mai LDO | 15/03/2023 09:04

Đà Nẵng - Hiện nay, thách thức lớn về nguồn nhân lực mà doanh nghiệp Đà Nẵng đối mặt là thiếu hụt và giữ chân nhân tài.

Theo khảo sát nhanh của Công ty cổ phần Kết nối nhân tài (Talentnet Corporation), 120 doanh nghiệp tại Đà Nẵng (chủ yếu thuộc ngành công nghệ cao, sản xuất và dịch vụ) cho thấy, thách thức lớn nhất về nguồn nhân lực mà họ đang đối mặt là thiếu hụt nhân tài và giữ chân nhân tài.

48% số doanh nghiệp khảo sát cho rằng đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, giữ chân lao động cấp chuyên gia. 39% cho hay đang khó tuyển dụng, giữ chân cấp trưởng phòng.

Trong khi đó, gần 80% đều đồng ý "môi trường làm việc" và "khả năng lãnh đạo" là 2 lợi thế cạnh tranh quan trọng trong cuộc đua nhân tài của các doanh nghiệp Đà Nẵng.

Khảo sát cũng cho thấy, các doanh nghiệp Đà Nẵng đang chú trọng áp dụng công nghệ trong quản trị nhân sự (51%) và xây dựng thương hiệu tuyển dụng (51%) để sẵn sàng cho tương lai.

Tại hội thảo về nguồn nhân lực Đà Nẵng vừa tổ chức hôm 14.3, bà Lê Thị Nam Phương - Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân TP Đà Nẵng chỉ ra 3 thách thức thực tế về nguồn nhân lực của doanh nghiệp là:

Lựa chọn nghề nghiệp của người lao động đang dựa vào cảm xúc nhiều hơn. Người lao động sẽ ưu tiên những doanh nghiệp phù hợp với ý nghĩa, giá trị của người lao động, mang đến niềm vui, sự an tâm trong công việc.

Đà Nẵng là địa phương có nhiều cơ sở đào tạo về đa chuyên ngành. Ảnh minh hoạ: Nguyễn Linh

Yêu cầu về tái tổ chức, chuyển đổi mô hình làm việc để phù hợp với tình hình biến động hiện tại cũng ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động vận hành của doanh nghiệp.

Gen Z bước vào thị trường lao động và đang dần trở thành lực lượng lao động nòng cốt. Theo từ điển Oxford, Gen Z là những người sinh ra trong khoảng thời gian từ cuối những năm 1990 cho đến năm 2012. Quãng tuổi phổ biến và được chấp nhận rộng rãi nhất là 1997-2012.

Đây là thế hệ với những nhu cầu, tính cách rất khác biệt với thế hệ trước, đòi hỏi doanh nghiệp rất cần chiến lược nhân sự phù hợp. 

Bà Tiêu Yến Trinh - Giám đốc Talentnet Corporation cho biết: "3 xu hướng nhân sự trọng tâm trong năm nay sẽ là ứng dụng công nghệ vào quản trị; chính sách làm việc linh hoạt và sự gắn kết nhân viên thông qua văn hóa doanh nghiệp".

Bà Tiêu Yến Trinh cho rằng, việc xây dựng một chiến lược nguồn nhân lực dựa trên công nghệ - sự linh hoạt – văn hóa sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng thu hút và giữ chân nhân tài.

"Đã đến lúc doanh nghiệp Đà Nẵng cần quy chiếu chính sách nhân lực của mình với các thị trường phát triển để từ đó có thể tăng tốc thay đổi, tái định vị chiến lược nhân sự của mình, tái xây dựng một văn hóa doanh nghiệp bền vững, thấu cảm, tạo được giá trị cho người lao động, cho tổ chức và xã hội" - bà Tiêu Yến Trinh bày tỏ quan điểm.

Còn ông Ciprian Vasile Bota - Giám đốc vận hành, Universal Alloy Corporation Việt Nam (UAC) nhìn nhận, Đà Nẵng có nhiều cơ sở đào tạo về đa chuyên ngành. Đây chính nguồn lực có thể bổ sung cho đơn vị doanh nghiệp ngành công nghệ cao, sản xuất và dịch vụ.

Tuy vậy, để người lao động có kỹ năng phù hợp thì doanh nghiệp phải cùng với cơ sở đào tạo tham gia vào việc xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với thực tế thị trường hiện nay cũng như kỹ năng cần thiết. Trong đó, hầu hết các doanh nghiệp FDI đều đòi hỏi người lao động có trình độ tiếng Anh giao tiếp cơ bản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn