MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuất khẩu gạo tiếp tục là nhóm hàng chủ lực của Việt Nam trong năm 2021. Ảnh: TTXVN

Giá bán ra thế giới ở mức cao, xuất khẩu gạo nhiều tín hiệu lạc quan

Vũ Long LDO | 18/02/2021 16:51

Nhiều lô hàng xuất khẩu ra thế giới được chào bán với giá cao, xuất khẩu gạo năm 2021 hứa hẹn nhiều triển vọng dù dịch COVID-19 phức tạp.

Tín hiệu lạc quan từ đầu năm

Ngoài 1.600 tấn gạo xuất khẩu sang Singapore và Malaysia đã được xuất đi ngày 13.1, dự kiến sau 1 tuần nữa Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) tiếp tục xuất khẩu sang Malaysia lô gạo mới với trên 690 tấn gạo thơm KDM.

Chia sẻ niềm vui này với PV Lao Động, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, để có được số lượng gạo lớn xuất khẩu ngay từ đầu năm, đây là nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp.

“Trung An sản xuất, xuất khẩu theo hướng bền vững, đầu tư trọng gói tất cả các khâu: Từ khi gieo cấy đến chăm sóc, thu hoạch, bảo quản rồi chế biến tiêu thụ nên chủ động về nguồn hàng, đồng thời có nhiều thông tin ở nhiều khâu trong chuỗi liên kết, chủ động nắm bắt thị trường và có nhiều nguồn tin để đón đầu nhu cầu nhập khẩu của các đối tác. Nếu chỉ đơn thuần “mua-bán” trong xuất khẩu, sẽ rất ít thông tin” – ông Phạm Thái Bình nói.

Ông Phạm Thái Bình cũng cho biết, mới đầu năm hoạt động xuất khẩu chưa nhộn nhịp trở lại và thông tin cũng rất hạn chế và rất phạm vi thông tin hẹp, các doanh nghiệp phần lớn đang thăm dò, đo “sức nóng” của thị trường, nên nếu có được đơn hàng và số lượng xuất khẩu lớn là điều rất đáng ghi nhận.

Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), chỉ mới 1-2 tháng đầu năm chưa thể đánh giá được tổng thể, bởi tháng 1 là thời điểm nhu cầu gạo chưa quá cao, tuy nhiên xuất khẩu gạo cả năm 2021 được dự báo vẫn tốt khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, Châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam.

Các doanh nghiệp cho biết, nhiều nước có nhu cầu lớn về gạo thơm, gạo nếp - vốn là mặt hàng có lợi thế của doanh nghiệp Việt. Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành lúa gạo như Công ty CP Tập đoàn Intimex, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Vinaseed, Gentraco... đều đang đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội, lợi thế mà các hiệp định EVFTA, RCEP, UKVFTA mang lại.

“Thị hiếu thế giới đang ưa chuộng gạo Việt Nam, đó là lợi thế lớn cho gạo Việt” – ông Nguyễn Trung Kiên – Chủ tịch Hội đồng quản trị Gentraco khẳng định.

Dự báo giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục ổn định ở mức cao

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NNPTNT) cũng đưa ra nhiều thông tin lạc quan về xuất khẩu gạo trong năm 2021, bởi ngay từ những ngày đầu của năm 2021 các doanh nghiệp đã tích cực tham gia thị trường, giá gạo xuất khẩu duy trì ở mức cao (khoảng 503-505USD/tấn), dự báo mức giá này tiếp tục ổn định trong thời gian tới.

“Thống kê của Bộ NNPTNT cho biết, khối lượng xuất khẩu gạo trong tháng 1.2021 đạt 280 nghìn tấn với giá trị đạt 154 triệu USD” – TS Trần Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho hay.

Trong năm 2020, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 33,9% thị phần, đạt 2.22 triệu tấn và 1,06 tỉ USD, tăng 4% về khối lượng và tăng 19,3% về giá trị so với năm 2019.

Bên cạnh Philipines, năm 2020, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là: Indonesia (gấp 2,7 lần) và Trung Quốc (tăng 92,6%)...

Giá lúa gạo hôm nay (18.2) tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) neo ở mức cao. Tại An Giang, giá lúa OM 0577, OM 9582 bán ra ở mức 7.100 đồng/kg; OM 6976: 7.100 đồng/kg; IR 504 ở mức 7.000 đồng/kg; Đài thơm 8: 7.500 đồng/kg; OM 5451: 7.100 đồng/kg; lúa Jasmine 7.000 đồng/kg; OM 9577: 6.900 đồng/kg; OM 9582: 7.000 đồng/kg; nếp khô: 7.900 đồng/kg.

Giá gạo nguyên liệu NL IR 504 ở mức 10.250 đồng/kg; gạo NL OM 5451 ở mức 10.400 đồng/kg; gạo OM 18 ở mức 10.350 đồng/kg; gạo thành phẩm xuất khẩu TPIR 504 ở mức 11.550 đồng/kg.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn