MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá cam sành vẫn thấp kỷ lục, nông dân chịu lỗ bán trái để cứu cây

Hoàng Lộc LDO | 17/02/2023 15:42
Trong 2 ngày qua, sức mua cam sành tại Vĩnh Long bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại nhưng giá vẫn còn rất thấp, chỉ dao động từ 1.500 - 5.500 đồng/kg.

Giá giảm không tưởng

Có hơn chục năm trồng cam sành ở xã Thới Hoà, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, Nông dân Trần Văn Tường chia sẻ: Từ cuối tháng 11, đầu tháng Chạp năm ngoái, giá cam rớt liên tục, từ 17.000 – 18.000 đồng/kg xuống còn dưới 5.000 đồng/kg. Thương lái ít mua, mức tiêu thụ chỉ khoảng 1/10 sản lượng. Những nông dân có cam chín buộc phải để lại chờ tăng giá.

Ông Tường hiện phải bán cam sành với giá chỉ được hơn 3.000 đồng/kg. “Nếu như bán trước tết thì đâu có thua lỗ như hiện nay. Từ lúc bắt đầu trồng cam sành đến giờ, chưa năm nào cam rớt giá thảm như năm nay”, ông Tường cho biết.

Sức mua cam sành tại Vĩnh Long có dấu hiệu tăng nhưng giá vẫn ở mức thấp. Ảnh: Hoàng Lộc 

Sau khi chuyển 4.000m2 đất lúa sang trồng cam sành, vụ này, ông Đặng Văn Ky ở ấp Tường Hưng, xã Thới Hoà, huyện Trà Ôn ngậm ngùi bán cam với giá 3.800 đồng/kg. “Mỗi công (1.000m2 - PV) đầu tư hơn 100 triệu đồng. Đây mới là năm đầu tiên thu hoạch mà bán với giá này cầm chắc lỗ khoảng 250 triệu đồng”, ông Ky bộc bạch.

Chuyển cam chín về nơi giao cho thương lái. Ảnh: Hoàng Lộc 

Hiện, toàn tỉnh Vĩnh Long có hơn 17.000ha cam sành, tăng gần 3.000ha so với năm 2020. Cam sành được trồng nhiều nhất tại huyện Trà Ôn (gần 10.000ha), huyện Tam Bình (hơn 3.300ha), huyện Vũng Liêm (hơn 2.800ha).

Vận chuyển cam chín chín mọng. Ảnh: Hoàng Lộc 

Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Ôn cho biết, diện tích cam sành của huyện tăng nhanh trong giai đoạn 2018-2022 do người dân tự phát chuyển đổi trồng trên đất lúa. Các xã có diện tích trồng cam nhiều của huyện, gồm: Thuận Thới, Hựu Thành, Thới Hòa, Trà Côn, Hòa Bình, Nhơn Bình...

Lỗ nặng vẫn phải bán

“Mặc dù giá chỉ 3.000 – 4.000 đồng/kg, nhưng có người mua đã là vui rồi. Tôi vừa bán 27 tấn cam với giá 4.000 đồng/kg, cầm chắc lỗ gần 200 triệu đồng tiền đầu tư sản xuất năm nay, nhưng bán được còn hơn không”, anh Huỳnh Văn Tuấn, nông dân trồng cam xã Hoà Bình, huyện Trà Ôn cho biết.

Ông Bảy Đan, thương lái thu mua cam sành ở xã Thới Hoà, thông tin thêm: “Tôi mua bán cam hơn 20 năm những chưa có năm nào giá thấp đến mức 1.000 đồng/kg như năm nay. Nhưng 2 ngày trở lại đây sức tiêu thụ thị trường Miền Bắc và TPHCM tăng trở lại nên thương lái chúng tôi cũng mua hết các vườn có cam chín cho bà con”.

Ông Đan cho biết thêm, sức tiêu thụ tăng một phần do thời tiết bắt đầu nắng nóng nhiều. Bên cạnh đó, các báo, đài nói về giá cam giảm xuống thấp nông dân trồng cam gặp khó khăn nên nhiều người tiêu dùng phần nào cũng đã ưu tiên mua để hỗ trợ bà con.

 Lượng cam được thu mua dễ hơn trước đây 1 tuần. Ảnh: Hoàng Lộc

Vợ chồng ông Dương Văn Út có hơn 4.000m2 trồng cam sành ở xã Thới Hoà, cho biết: “Thời gian này của năm trước, tôi bán cam sành với giá 17.500 đồng/kg. Còn năm nay chỉ bán với giá 3.000 đồng/kg nên lỗ nặng. Tuần trước còn kêu bán không được. Mấy hôm nay thấy thương lái lại hỏi mua, mặc dù giá bán rất thấp, nhưng cam đã đến thời điểm thu hoạch nên buộc phải bán”.

Ông Út cho biết thêm, nếu tiếp tục “neo” trái trên cây sẽ ảnh hưởng rất lớn khả năng sinh trưởng, thậm chí có thể chết đến 20% sau khi thu hoạch. Kể cả không chết thì chi phí chăm sóc cho trái năm sau cũng cao hơn 10 – 15% và năng suất sẽ giảm đến 30% so với cây bình thường.

 "Neo" cam lại ảnh hưởng rất lớn đến năng suất vụ cam năm sau. Ảnh: Hoàng Lộc

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm cho biết: “Mặc dù cam sành đã giúp nhiều nông dân tăng thu nhập so với các loại nông sản khác trên cùng diện tích, tuy nhiên, hiện nay diện tích trồng cam đã vượt hơn 30% diện tích so với quy hoạch được UBND tỉnh Vĩnh Long. Một số vùng không thích nghi với cam sành như: Long Hồ, Mang Thít, Bình Minh hiện vẫn có nông dân thuê đất để trồng cam sành làm lương cung vượt cầu quá lớn...”.

Theo ông Liêm, khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân luôn có xu hướng chọn cây có hiệu quả kinh tế cao trong thời điểm trước mắt. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cần đòi hỏi có sự can thiệp, định hướng của chính quyền các cấp và ngành chức năng để tránh tình trạng cung vượt cầu, không chỉ cam sành mà còn cho các loại nông sản khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn