MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá chợ "leo" theo giá xăng, tiểu thương lẫn người tiêu dùng gặp khó

MỸ LY LDO | 24/09/2023 12:25

Những ngày qua, giá xăng tăng đã kéo giá các mặt hàng khác tăng theo. Trước việc giá cả hàng hóa đội theo giá xăng, tiểu thương lẫn người tiêu dùng đều mong muốn sớm có những chính sách bình ổn giá phù hợp.

Khó cho cả người bán lẫn người mua

Trong lần điều chỉnh gần nhất, giá xăng đã gần chạm ngưỡng 26.000 đồng/lít. Theo đó, ở một số chợ truyền thống tại Cần Thơ, giá các thực phẩm như thịt, cá, rau, củ… và một số mặt hàng tiêu dùng khác đều rục rịch tăng giá, gây khó khăn cho tiểu thương lẫn người tiêu dùng.

Bán hàng cá ở chợ Ngã Ba (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), bà Phạm Thúy Kiều cho biết do chi phí vận chuyển tăng nên các loại cá bà bán đều tăng theo. Giá bán càng tăng, khách đến hàng cá của bà càng vắng.

“Giá xăng vừa tăng mấy hôm trước, hôm nay các loại cá tôi bán đều phải tăng từ 3.000-6.000 đồng/kg. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, buôn bán vốn đã ế ẩm nay càng khó khăn hơn khi phải tăng giá. Bởi hầu hết mọi người đều chi tiêu tiết kiệm”, bà Kiều tâm sự.

Giá nhiều loại rau, củ rục rịch tăng theo giá xăng. Ảnh: Mỹ Ly

Tương tự, bà T - tiểu thương bán rau, củ ở chợ Ô Môn (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) - cũng tỏ ra ngán ngẩm trước sức mua giảm dần. Khách lạ hỏi giá xong lưỡng lự bỏ đi, khách quen ít ghé hơn, còn nếu có ghé bà phải nài nỉ lắm mới mua được một ít rau.

“Giá cả tăng thật sự gây khó khăn cho người mua lẫn người bán như tôi. Mấy tháng gần đây sức mua tại sạp rau của tôi đã giảm đáng kể, giờ xăng lại tăng khiến tình hình buôn bán càng chậm hơn. Một số loại rau, củ tôi bán đều tăng từ vài nghìn đến cả chục nghìn đồng mỗi loại, nhất là các loại phải vận chuyển từ Đà Lạt về”, bà T kể lại.

Là người trực tiếp đi chợ mỗi ngày, bà Nguyễn Thị Huệ Chi (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cũng ngán ngẩm khi giá cả cứ tăng chóng mặt: “Bó cải mới hôm trước mua 12.000 đồng thì nay quay lại hỏi đã lên 14.000 đồng, thịt đùi heo cũng từ 95.000 đồng lên 102.000 đồng. Thu nhập vẫn vậy mà đụng vào đâu cũng lên giá khiến tôi chẳng biết phải mua gì”.

Mong sớm có chính sách bình ổn

Giá xăng tăng làm cho giá các mặt hàng khác đua nhau leo thang, đã tác động không nhỏ đến tiểu thương và người tiêu dùng. Theo đó, một số tiểu thương phải đau đầu lựa chọn giữa việc tiếp tục gồng gánh để giữ chân khách hàng hay tăng giá bán với nỗi lo mất khách.

Không thể gồng gánh khi chi phí vận chuyển cứ tăng liên tục, bà Kiều buộc phải tăng giá bán các loại cá. Bà Kiều chia sẻ, mấy tháng trước bà đã cố gắng duy trì giá bán hoặc chỉ tăng nhẹ 2.000-3.000 đồng/kg cá để giữ chân khách. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại bà buộc phải tăng giá mạnh hơn. Dù biết càng tăng giá sức mua càng giảm nhưng bà cũng đành chịu vì nếu không làm thế thì chỉ có nước bù lỗ.

Cũng đau đầu với nỗi lo tăng giá sẽ mất khách, bà T đành giảm lợi nhuận để giữ chân người tiêu dùng. Theo đó, một số loại rau chi phí vận chuyển cao bà T vẫn sẽ tăng giá bán, còn những loại có chi phí vận chuyển thấp hơn bà sẽ cố gắng bán giá cũ. Tuy nhiên, theo bà T, đây chỉ là những giải pháp tạm thời để níu chân khách hàng. Bà vẫn mong giá xăng cùng các mặt hàng khác sẽ sớm được điều chỉnh bình ổn trở lại để bà phục hồi việc buôn bán.

Không chỉ tiểu thương, người tiêu dùng cũng mong giá cả hàng hóa sẽ sớm bình ổn trở lại.

“Phí sinh hoạt, ăn uống vẫn thế mà ra chợ cái gì cũng lên giá nên tôi buộc phải mua ít lại. Bữa cơm gia đình vì thế cũng ít món hơn. Ăn vặt hay những thứ không thiết yếu cũng bị tôi cắt giảm hết. Có thế gia đình mới có thể trang trải đủ trong thời bão giá. Nhưng đây chỉ là tạm thời, về lâu dài tôi vẫn mong muốn những chính sách bình ổn sẽ sớm được thực hiện để hỗ trợ người tiêu dùng”, bà Chi nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn