MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá nhiều cổ phiếu biến động mạnh theo giao dịch cổ đông lớn. Ảnh: B. Chương

Giá cổ phiếu “tung hứng” theo giao dịch của cổ đông lớn

Gia Miêu LDO | 12/12/2021 17:29

Hàng loạt cổ phiếu tăng trần bất ngờ hoặc đột ngột rớt thẳng đứng nằm sàn sau những thông tin giao dịch của cổ đông lớn khiến cho không ít nhà đầu tư mệt mỏi.

Cổ phiếu PTL của Petroland cũng gây chú ý khi tăng 28% sau tuần giao dịch vừa qua trong bối cảnh hàng loạt cổ đông lớn của Petroland đã có động thái “xả” cổ phiếu của công ty này trước thềm đại hội cổ đông bất thường lấy ý kiến về việc huỷ niêm yết tự nguyện. Cụ thể, CTCP Dịch vụ và Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Phương Nam không còn là cổ đông lớn của Petroland sau khi bán 10,7 triệu cổ phiếu PTL, giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 0,52% tương đương 528.600 đơn vị. Bên cạnh đó, Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam cũng bán toàn bộ hơn 36 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 36% vốn điều lệ của Petroland.

Hoạt động kinh doanh của Petroland những năm gần đây khá nghèo nàn, các dự án tiềm năng hầu như đóng băng, buộc doanh nghiệp tính đến chuyện thoái vốn, bán đất tại nhiều dự án mới. Trong nhiều năm liền, cổ phiếu Petroland liên tục nằm trong diện bị kiểm soát đặc biệt do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là con số âm. Tính cuối quý 3/2021, lỗ luỹ kế PTL là 275 tỉ đồng.

Còn với những nhà đầu tư "đu" theo sóng của cổ phiếu IDI của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I có lẽ không thể quên được quãng thời gian hơn 1 tháng qua. Tại phiên giao dịch ngày 10.12, cổ phiếu IDI ghi nhận khối lượng giao dịch đột biến 23,1 triệu đơn vị, tương đương hơn 10% vốn điều lệ doanh nghiệp. Nhờ vậy, giá cổ phiếu cũng ghi nhận mức tăng 700 đồng lên vùng 15.050 đồng/cổ phiếu, chấm dứt chuỗi 8 phiên liên tiếp giảm sàn từ vùng 25.300 đồng/cổ phiếu xuống 14.350 đồng/cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư lỡ đu vào vùng đỉnh của cổ phiếu này bây giờ phải nhìn tài khoản bốc hơi chóng mặt nhưng thậm chí có trường hợp còn không thể cắt lỗ.

Trước đó, cổ phiếu này có chuỗi tăng giá mạnh từ vùng 7.000 đồng/cổ phiếu lên 25.300 đồng/cổ phiếu trong vòng 2 tháng. Đà giảm sàn của cổ phiếu bắt đầu cùng thông tin ông Lê Thanh Thuấn – Chủ tịch HĐQT đăng ký bán toàn bộ 12,5 triệu đơn vị, tương đương 5,51% vốn. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và đã hoàn tất trong phiên ngày 3.12. Được biết, ông Thuấn bán thỏa thuận số cổ phiếu này cho một đối tác muốn gắn bó lâu dài cùng công ty. Ngược lại, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc vừa đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,39% vốn IDI. Giao dịch được thực hiện từ 14.12 đến 14.1.2022. Và sau khi có thông tin này thì cổ phiếu IDI mới ngưng giảm sàn và bắt đầu có sự hồi phục. 

Tương tự, cổ phiếu SJF của Công ty Đầu tư Sao Thái Dương cũng ghi nhận phiên giao dịch khủng 23,7 triệu đơn vị, tương đương 30% vốn vào ngày 10.12 vừa qua. Dù vậy, cổ phiếu SJF vẫn tiếp tục giảm sàn xuống 11.850 đồng/cổ phiếu. Trong tuần qua, cổ phiếu này có cả 5 phiên giảm sàn, trong đó có đến 4 phiên gần như đóng băng thanh khoản. Trong phiên cuối tuần, SJF có thời điểm thoát khỏi mức giá sàn và hấp thu lượng lớn cổ phiếu bán tháo. Tính xa hơn, SJF đã có 10 phiên giảm sàn liên tiếp. Cổ phiếu SJF tăng giá mạnh từ vùng 10.000 đồng/cổ phiếu lên 24.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 11. Tại phiên ngày 26.11, cổ phiếu này tăng trần lên mức giá 24.100 đồng/cổ phiếu cùng khối lượng giao dịch đột biến 10,8 triệu đơn vị. Sau đó, cổ phiếu SJF bắt đầu chuỗi giảm sàn liên tiếp.

Sự biến động bất thường của cổ phiếu này là do dòng tiền của các nhà đầu tư đã vừa đầu tư và đầu cơ theo thông tin doanh nghiệp có thể cung cấp sản phẩm sàn container bằng tre cho Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG). Tuy nhiên, sau khi các thông tin về thương vụ này được “giải mã” mọi thứ đã lập tức  quay trở về lại giá trị thực vốn có của nó. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn