MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá cổ phiếu VNZ tăng thần tốc, thận trọng tránh "gắp phải than hồng"

Đức Mạnh LDO | 09/02/2023 12:08

Phiên giao dịch 8.2 tiếp tục chứng kiến sự thăng hoa của kỳ lân công nghệ CTCP VNG (mã chứng khoán VNZ) khi tiếp tục vươn kịch trần lên 675.600 đồng/cổ phiếu, vững vàng vị trí đắt đỏ nhất sàn chứng khoán

Kịch bản giao dịch 100 cổ phiếu/phiên lặp đi lặp lại đã liên tục đưa VNZ lên nền giá cao mới. 

  Cổ phiếu VNZ đã tăng 2,8 lần chỉ sau 6 phiên giao dịch. Ảnh: Tradingview

Chỉ hơn 1 tháng sau khi niêm yết, thị giá VNZ đã cao gấp 2,8 lần. Đà tăng dựng đứng đã giúp vốn hoá của doanh nghiệp này có thêm 12.500 tỉ đồng. Tính cả lượng cổ phiếu quỹ chuẩn bị bán ra thì hiện VNG đã chạm mốc vốn hóa 24.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 1 tỉ USD. Đây là mức định giá mà đơn vị này vốn đã đạt được từ năm 2014 và đang dần thu hẹp khoảng cách với ông lớn trong lĩnh vực công nghệ là FPT.

Hiện đã là phiên thứ 6 liên tiếp cổ phiếu VNZ tăng trần với cùng một kịch bản. Theo quy định từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, tổ chức niêm yết hoặc đăng ký giao dịch sẽ phải giải trình khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn liên tiếp 5 phiên. Tuy nhiên đến nay đã là phiên thứ 6 tăng trần.

Với những cổ phiếu có đà tăng thần tốc như này, rủi ro với nhà đầu tư là rất lớn. Bởi VNZ đang tăng trên nền thông tin không hỗ trợ (năm 2022 lỗ trước thuế 943 tỉ đồng, lỗ sau thuế 1.315 tỉ đồng) kèm khối lượng rất nhỏ giọt. Tỉ lệ free-float thấp nên đồng nghĩa rằng VNZ có khả năng biến động lớn, rủi ro cao khi giá cổ phiếu có thể dễ dàng bị thao túng. 

Điều cần lưu ý thêm là nếu nắm cổ phiếu này trong tay thì bán ra cũng không dễ. Bởi chỉ giao dịch vài trăm đơn vị/phiên thì không biết bao giờ mới thoát hàng xong.

Theo các chuyên gia chứng khoán, trường hợp như VNZ không hiếm, đặc biệt ở những mã mới chào sàn. Các mã này phần lớn đăng ký giao dịch trên UPCOM, tăng trần liên tục sau khi lên sàn với thanh khoản vài trăm cổ phiếu/phiên. Khi giá đã tăng bằng lần so với giá khởi điểm, lượng giao dịch tăng lên, cổ phiếu sẽ giảm giá mạnh rồi lại tăng trở lại. Những pha kéo, xả như vậy khiến một bộ phận nhà đầu tư liều lĩnh tham gia nhằm chạy theo đúng sóng để chốt lời. 

Tuy nhiên những người không chuyên rất dễ kẹp hàng bởi không biết đâu là đỉnh để thoát. Ví dụ như hàng loạt mã trong họ Louis vào năm ngoái (TGG, AGM, BII), SMT, IDI, L14, SJF...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn