MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo tính toán của các chuyên gia, giá bán lẻ điện có thể tăng từ 5-7% trong năm 2023. Ảnh: Cường Ngô

Giá điện chắc chắn được điều chỉnh, chỉ còn chờ thời điểm phù hợp

Cường Ngô LDO | 25/03/2023 16:24

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian tới, giá điện chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh, do đó, cần tính toán giá các mặt hàng khác để điều chỉnh với mức độ, thời điểm phù hợp.

Thông tin trên được lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẻ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá ngày 24.3.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường về địa chính trị, lạm phát toàn cầu vẫn rất cao, quý I có Tết Nguyên đán (ngày sản xuất kinh doanh ít),… nên trong quý I/2023, CPI ước tăng 4,2-4,3% là phù hợp và chấp nhận được.

Vai trò của Ban Chỉ đạo điều hành giá thể hiện rất rõ trong việc không để xảy ra tình trạng khan hiếm, giá các loại hàng hóa thiết yếu không có biến động lớn; các chính sách tài khóa, tiền tệ được điều hành phù hợp với thực tiễn,… Đây là những tiền đề tốt cho công tác điều hành giá Quý II và thời gian còn lại của năm 2023.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian tới, giá điện chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh, do đó cần tính toán giá các mặt hàng khác để điều chỉnh với mức độ, thời điểm phù hợp.

Tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hồi giữa tháng 2.2023, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết, đối với việc xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2023, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN cần bám sát, tuân thủ quy trình thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24 ngày 30.6.2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. 

Việc điều chỉnh giá điện cần được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và đúng quy định.

Ông Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ đạo EVN tham gia đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cơ chế giá điện, thị trường điện tại Luật Điện lực, cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA, đảm bảo giá điện phản ánh đầy đủ yếu tố thị trường, tạo môi trường bình đẳng giữa các bên trong hoạt động điện lực. 

Theo TS Cấn Văn Lực, do giá than tăng rất cao trong thời gian qua, chi phí sản xuất điện cũng "phi mã", cho nên, người dân cần chấp nhận giá điện tăng năm 2023, dự báo 5-7%. 

"Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang lỗ tới 31.000 tỉ đồng trong năm 2022, trong khi, chi phí đầu vào tăng, giá than tăng mạnh, nếu không được tăng giá điện thì EVN lỗ lớn. Từ đó tác động tới an ninh năng lượng, không đảm bảo cung ứng điện", ông Lực nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn