MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá điện Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới. Ảnh: EVN

Giá điện Châu Âu vọt lên mức kỷ lục, giá điện Việt Nam sẽ tăng?

Cường Ngô LDO | 20/11/2022 06:00

Giá điện Châu Âu đã tăng vọt lên mức kỷ lục mới vào thời điểm cuối tháng 8.2022, báo trước một mùa đông khắc nghiệt khi cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra thiệt hại kinh tế trên khắp lục địa. Vậy, điều này có ảnh hưởng tới giá điện của Việt Nam?

Giá điện của nhiều nước Châu Âu đạt mức cao kỷ lục

Theo thông tin từ trang Global Petrol Prices, giá điện trung bình trên thế giới ở thời điểm cuối năm 2021 là 0,136 USD/kWh đối với khách hàng hộ gia đình và 0,124 USD/kWh đối với khách hàng là doanh nghiệp. 

Tại nội dung công bố này, giá điện bình quân của Việt Nam đang xếp thứ 101 trong tổng số 147 quốc gia (theo thứ tự giảm dần của giá điện) có trong báo cáo.

Hiện giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1.864,44 đồng/KWh (chưa gồm thuế GTGT), duy trì từ tháng 3.2019 đến nay. Theo nhận định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lượng xuất hiện kéo theo lạm phát, khiến giá nhiên liệu năng lượng tăng phi mã. Hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp tới giá điện, trong đó Việt Nam không ngoại lệ.

Theo EVN, hiện hợp đồng giá điện năm tới (ký trước) của nước Đức đạt 995 Euro mỗi MWh (tương đương 0,99 USD/kWh - 23.760 đồng/kWh); trong khi hợp đồng tương đương của Pháp vượt qua 1.100 Euro (1,1 USD/ kWh - 26.400 đồng/kWh). Đây là mức tăng gấp hơn 10 lần ở cả hai nước so với năm ngoái.

Tại Anh, cơ quan quản lý năng lượng Ofgem cho biết, họ đã tăng trần giá điện và khí đốt gần gấp đôi từ ngày 1.10 lên mức trung bình 3.549 bảng Anh (tương đương 4.197 USD) mỗi năm.

Ofgem cho rằng, sự gia tăng này là do giá khí đốt bán buôn toàn cầu tăng đột biến sau khi dỡ bỏ các hạn chế của COVID-19 và việc Nga hạn chế nguồn cung.

Cộng hòa Séc, quốc gia giữ vị trí Chủ tịch luân phiên Liên minh Châu Âu cho biết, cần triệu tập một hội nghị thượng đỉnh về khủng hoảng năng lượng của EU sớm nhất có thể.

Giá năng lượng đã tăng vọt ở Châu Âu khi Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho lục địa này, với lo ngại về việc cắt giảm mạnh hơn vào mùa đông trong bối cảnh căng thẳng về địa chính trị vẫn tiếp diễn.

Trong khi đó, 20% sản lượng điện của Châu Âu được tạo ra bởi các nhà máy điện chạy bằng khí đốt. Do đó nguồn cung giảm chắc chắn sẽ dẫn đến giá cao hơn.

Giá khí đốt Châu Âu thời điểm tháng 8 đã đạt ngưỡng 341 Euro mỗi MWh, gần mức cao nhất mọi thời đại là 345 Euro (ghi nhận vào khoảng tháng 3 năm nay).

Giá điện ở các nước Châu Âu tăng kỷ lục, ảnh hưởng tới giá điện Việt Nam. Ảnh: Cường Ngô 

Một nghiên cứu của Bruegel cho thấy, các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu đã phân bổ 236 tỉ Euro từ tháng 9.2021 đến tháng 8.2022 để bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp khỏi giá năng lượng tăng cao, vốn bắt đầu tăng khi các quốc gia mở cửa sau COVID-19 và tăng vọt sau cuộc xung đột tại Ukraine.

Trong những ngày qua, các quốc gia đã công bố các chiến dịch tiết kiệm năng lượng để khuyến khích người dân giảm mức tiêu thụ điện năng trong mùa đông.

Đơn cử, các biện pháp của Đức để tiết kiệm năng lượng bao gồm lệnh cấm sưởi ấm các bể bơi tư nhân từ tháng 9 và trong vòng 6 tháng kể từ khi quy định có hiệu lực.

Còn tại Phần Lan, nước này đang khuyến khích công dân của mình giảm nhiệt độ, tắm trong thời gian ngắn hơn và dành ít thời gian hơn trong phòng tắm hơi...

Giá điện Việt Nam có tăng?

Khủng hoảng năng lượng là nguyên nhân chính khiến giá điện tăng cao, Việt Nam có nằm ngoài tác động? Trả lời câu hỏi này, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương - cho biết, Việt Nam đang là nước nhập khẩu ròng năng lượng với mức nhập khẩu đáng kể than, dầu và tương lai gần sẽ là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Tác động lớn nhất từ cuộc khủng hoảng năng lượng thời gian qua đối với Việt Nam đó là giá các loại năng lượng nhập khẩu sẽ tăng theo giá thế giới. Các loại năng lượng sản xuất trong nước cũng tăng với các mức độ khác nhau.

Năng lượng lại là yếu tố đầu vào quan trọng trong quá trình sản xuất điện và mọi hoạt động của nền kinh tế. Do đó, điều đó sẽ khiến chi phí sản xuất điện nói riêng và chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể...

Thực tế, báo cáo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ rõ, giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến khiến giá thành khâu phát điện (chiếm tỉ trọng rất lớn 82,45% trong giá thành điện thương phẩm) tăng quá cao.

Theo tính toán của EVN, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 lên mức 1.915,59 đồng/kWh. Mức này cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành (1.844,64 đồng/kWh).

Tuy nhiên, 3 năm liên tiếp, giá bán điện bình quân chưa được tăng theo biến động đầu vào (kể từ tháng 3.2019), khiến cho EVN đang lỗ nặng (6 tháng đầu năm 2022, lỗ sau thuế hợp nhất là 16.586 tỉ đồng).

Bộ Công Thương đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, được điều chỉnh tăng. Đây là điểm khác so với cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện tại Quyết định 24, khi quy định thông số đầu vào tăng 3% thì giá điện mới tăng.

Dự thảo quyết định cũng nêu rõ thẩm quyền quyết định giá điện cho EVN và Bộ Công Thương.

Song thực tế, trước đây dù Quyết định 24 vẫn cho EVN, Bộ Công Thương thẩm quyền điều chỉnh giá khi có biến động thông số đầu vào, nhưng chưa bao giờ EVN tự quyết việc tăng giá điện mà đều phải báo cáo cấp có thẩm quyền.

Năm 2022, dù tính toán được khoản lỗ, song EVN vẫn cam kết với Chính phủ không tăng giá điện để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn vực dậy sau COVID-19.

Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh - cho rằng, EVN cũng không thể gánh mãi được khoản lỗ, mà cần có những điều chỉnh kịp thời, hợp lý để đảm bảo vận hành trơn tru hệ thống điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn