MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp rà soát các nội dung về khung giá cho các dự án điện tái tạo chuyển tiếp và kịp thời chỉnh sửa. Ảnh: Tuấn Nguyên

Giá điện gió, mặt trời bị chê quá thấp, Bộ Công Thương nói "phù hợp"

Cường Ngô LDO | 06/09/2023 15:14

Khung giá phát điện dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) chuyển tiếp tại Quyết định 21 (ban hành tháng 1.2023) bị một số nhà đầu tư cho rằng là "quá thấp". Tuy nhiên, Bộ Công Thương khẳng định khung giá này "đúng phương pháp, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay".

Giá điện tái tạo bị chê thấp

Bộ Công Thương vừa gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà báo cáo việc thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng đối với việc đàm phán giá điện các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Đối với việc xây dựng Thông tư 15 quy định về phương pháp xác định khung giá phát điện, Bộ Công Thương cho hay, đã nhận được 30 văn bản góp ý đối với dự thảo thông tư. Trong đó, còn có những nội dung có ý kiến khác nhau.

Trong đó, Bộ Công Thương cũng giải thích về việc xây dựng khung giá phát điện dự án chuyển tiếp tại Quyết định 21 (ban hành tháng 1.2023) – vốn bị một số nhà đầu tư cho rằng là "quá thấp".

Theo quyết định này, nhà máy điện mặt trời mặt đất có mức giá trần là 1.184,90 đồng/kWh; nhà máy điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh; nhà máy điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh; nhà máy điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh.

Căn cứ Thông tư 15, Bộ Công Thương đã thẩm định khung giá phát điện các dự án chuyển tiếp do EVN trình.

Trong đó, đối với số liệu về suất đầu tư, Bộ Công Thương đã xem xét mức giảm suất đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió trong giai đoạn 2018-2021 (căn cứ số liệu tại báo cáo của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế - IRENA).

Cụ thể, suất đầu tư dự án điện mặt trời nối lưới giai đoạn 2018-2021 giảm bình quân 11%/năm, suất đầu tư dự án điện gió trên bờ nối lưới giảm bình quân 6,3%/năm.

Một số doanh nghiệp phản ánh giá điện gió, điện mặt trời quá thấp, tuy nhiên, Bộ Công Thương khẳng định xây dựng khung giá này đúng luật. Ảnh: Trung Nam

Kết quả khung giá phát điện tại Quyết định 21 giảm bình quân 7,3%/năm đối với loại hình điện mặt trời mặt đất, 4,2%/năm đối với loại hình điện mặt trời nổi so với giá ưu đãi FIT 2 (ban hành năm 2020); giảm bình quân 4,19%/năm đối với loại hình điện gió trong đất liền, 4,3%/năm đối với loại hình điện gió trên biển so với giá FIT 2 (ban hành năm 2018).

"Quá trình thẩm định, Bộ Công Thương đã thực hiện lấy kiến Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và họp Hội đồng tư vấn về kết quả thẩm định khung giá", Bộ Công thương cho hay.

Vì thế, Bộ này khẳng định, việc ban hành Thông tư 15 là đúng thẩm quyền quy định tại Luật Điện lực, Luật Giá và các nghị định hướng dẫn.

Còn khung giá phát điện cho các dự án chuyển tiếp cũng đã được EVN tính toán và Bộ Công Thương thẩm định, ban hành tại Quyết định 21 là đúng phương pháp tại Thông tư 15, có tham khảo số liệu của các tổ chức tư vấn, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay.

Nhiều dự án chưa hoàn thành thủ tục

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện cả nước có 85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, trong đó có 77 nhà máy, phần nhà máy điện gió với tổng công suất 4.185,4MW và 8 nhà máy, phần nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 506,66MW.

Cập nhật tiến độ đàm phán giá các dự án này, theo Bộ Công thương, tính đến hết ngày 25.8, có 79/85 dự án chuyển tiếp với tổng công suất 4.449,86 MW (chiếm 94%) đã nộp hồ sơ đến EVN.

Trong số này, có 68 dự án với tổng công suất 3.633,26MW đã thỏa thuận giá với EVN.

Có 67 chủ đầu tư dự án đồng ý áp giá điện tạm thời (bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định 21).

Trong đó, 61 dự án đã thống nhất giá tạm và tạm trình lên Bộ Công Thương và có 58 dự án đã được phê duyệt. Trong số này, có 20 dự án (tổng công suất 1.171,72MW) đã được công nhận ngày vận hành thương mại.

Liên quan đến những khó khăn về những dự án năng lượng tái tạo, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Minh Tiến - chủ bốn dự án điện gió tại Gia Lai và Quảng Trị cho biết, các ban ngành cần gỡ khó cho các dự án điện tái tạo.

Ông lấy ví dụ về dự án điện gió của công ty ông tại tỉnh Gia Lai, mặc dù được Tập đoàn Điện lực Việt Nam tạo điều kiện đấu nối lên lưới nhưng phía địa phương còn rất nhiều thủ tục khó khăn, phức tạp.

"Trung ương có rất nhiều cuộc làm việc gỡ khó cho các dự án điện tái tạo, nhưng ở địa phương đến bây giờ vẫn chưa gia hạn chủ trương đầu tư cho dự án của chúng tôi. Chúng tôi đã cố gắng, làm đủ mọi cách như yêu cầu của tỉnh nhưng vì vướng mắc về thủ tục đất đai nên tỉnh không gia hạn", ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, đặc thù ở một số khu vực miền núi những khiếu nại về đất đai rất nhiều. Song, địa phương không hỗ trợ doanh nghiệp mà yêu cầu doanh nghiệp tự đàm phán giá bồi thường với dân. Trong khi đó, phía doanh nghiệp không thể nào đáp ứng hết các yêu cầu từ phía người dân được.

"Nếu không được gia hạn chủ trương đầu tư, dự án của chúng tôi đang chạy thử nghiệm sẽ không được COD (vận hành thương mại). Hệ luỵ xảy ra là chúng tôi không được bán điện trong khi thời điểm này đang thiếu điện; doanh nghiệp không có doanh thu, nguy cơ mất nhà máy, trong khi mỗi một nhà máy được đầu tư lên tới gần 4.000 tỉ đồng", ông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn