MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá điện ra sao sau khi áp khung giá mới?

Cường Ngô LDO | 07/02/2023 17:32

Việc ban hành khung giá là cơ sở để EVN xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện. Theo quy định, nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3% trở lên và trong khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện phải giảm.

Tăng khung giá bán lẻ điện bình quân, chờ tăng giá điện

Ngày 3.2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân mới với mức tối thiểu là 1.826,22 đồng và tối đa là 2.444,09 đồng một kWh.

Khung giá bán lẻ điện bình quân là mức sàn và trần để Chính phủ quy định giá bán lẻ điện bình quân. Việc điều chỉnh khung này chưa làm thay đổi ngay giá điện bán lẻ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh.

Khung này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân sẽ áp dụng năm nay.

So với Quyết định 34/2017, mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu tăng 220 đồng/kWh (mức giá cũ là 1.606,19 đồng/kWh), tăng 13,7%; Mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa tăng 538 đồng/kWh (mức giá cũ là 1.906,42 đồng/kWh), tăng 28,2%.

Hiện tại, giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân áp dụng cho người dân và doanh nghiệp là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT) và được áp dụng từ năm 2019 đến nay. 

Trong khi đó, năm 2022, giá bán lẻ điện bình quân theo tính toán của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) phải cao hơn 2,74% so với giá bình quân được áp dụng từ 2019, từ 1.864,44 đồng lên 1.915,69 đồng/kWh.

Giá điện có thể tăng trong thời gian tới. Ảnh minh hoạ: MOIT 

Bình luận về tình hình EVN và đề xuất tăng giá điện, trao đổi với Lao Động, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình nhận định, với giải pháp nguồn điện, nếu EVN chọn khuyến khích tăng các nguồn có giá thành thấp như thủy điện cũng không dễ dàng, khi các nguồn thủy điện Việt Nam gần như đã hết.

Còn việc giảm các nguồn điện có giá thành cao, trong điều kiện thiếu nguồn phát vào giờ cao điểm và thừa nguồn giờ thấp điểm thì EVN cũng ít có lựa chọn. Do đó, vị chuyên gia cho rằng, giải pháp tốt nhất và dài hạn là điều chỉnh tăng giá điện bán lẻ. Tuy nhiên, việc này ngoài thẩm quyền của EVN. 

"Tăng giá 5% sẽ đủ bù đắp chi phí hiện tại và khuyến khích cho nguồn tương lai. Theo đó, mức giá mới có thể từ 1.864,44 đồng/kWh lên 1.957,34 đồng/kWh", ông nói.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng khi xem xét giá bán điện cần cẩn trọng tất cả các chi phí liên quan như phát điện, truyền tải, bán buôn, bán lẻ... Theo ông, đề xuất điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là hợp lý nhưng điều quan trọng là phải công khai, minh bạch các chi phí các chi phí đầu ra, đầu vào.

Trước khi tăng giá điện, phải tính đến phương án lạm phát

TS Nguyễn Hồng Minh - nguyên Trưởng khoa Đầu tư, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - phân tích, hiện nay chi phí của ngành điện rất cao. Với giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1.864 đồng/kWh, tức là dưới 2.000 đồng/kWh, chắc chắn ngành điện đang phải bù lỗ. Nếu không muốn phải bù lỗ hoặc tiếp tục thua lỗ thì đương nhiên phải tính đúng, tính đủ giá.

TS Hồng Minh cho rằng, trước khi tăng giá điện, phải tính đến phương án lạm phát, vì điện chiếm tỉ trọng tương đối nhiều trong cả nền sản xuất, tiêu dùng cũng như đời sống, sinh hoạt của người dân.

"Giá điện tăng sẽ kéo theo một loạt hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo. Do vậy cần phải đánh giá thận trọng việc nếu tăng giá điện thì bức tranh chung của nền kinh tế sẽ thế nào.

Ngay cả việc tăng ở mức nào, tăng bao nhiêu % cũng cần phải tính toán kỹ, được các bộ ngành chức năng cho phép chứ không thể để ngành điện tự ý tăng, nhằm tránh tình trạng đã độc quyền, lại tự ý tăng giá mà không tính toán đến các chi phí khác sẽ dẫn đến nhiễu loạn thị trường điện, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô", TS Nguyễn Hồng Minh nói.

Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương cho biết, việc ban hành khung giá là cơ sở để EVN xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện.

Việc ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân được Chính phủ công bố là do khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân hiện tại không còn phù hợp với bối cảnh và chưa phản ánh sự biến động của các thông số đầu vào tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, đặc biệt là biến động của giá nhiên liệu.

Trong đó, giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy điện đã bắt đầu tăng từ cuối năm 2021 trong khi sản lượng điện từ nhiệt điện than chiếm tỉ trọng khoảng 40% nên chi phí sản xuất kinh doanh của EVN tăng cao.

Ngoài ra, các khoản chênh lệch tỉ giá thực hiện trong hợp đồng mua bán điện của các năm 2019, 2020 cũng như của các năm 2021 - 2024 ước khoảng hơn 21.000 tỉ đồng cần được phân bổ, tính toán vào chi phí sản xuất điện hằng năm.

"Trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân được xây dựng nêu trên và mức điều chỉnh sẽ được quyết định trong khung giá bán lẻ điện bình quân, đồng thời phải phù hợp theo thẩm quyền", ông Hòa cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn