MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá gạo bán lẻ tại một số cửa hàng ở TP Cần Thơ dần ổn định. Ảnh: Mỹ Ly

Giá gạo dần ổn định, người dân không còn mua dự trữ

MỸ LY LDO | 04/09/2023 09:12

Hiện tại, giá gạo bán lẻ ở một số cửa hàng tại TP Cần Thơ đang dần ổn định, không còn tăng liên tục. Theo đó, sức mua của người dân ở mức bình thường, không có xu hướng dự trữ như lúc giá gạo mới bắt đầu "nhảy múa".

Giá gạo và sức mua dần ổn định

Theo chia sẻ của các tiểu thương tại TP Cần Thơ, giá gạo bán lẻ hiện có xu hướng tăng nhẹ nhưng đã ổn định hơn nhiều.

Ông Phạm Văn Tấn - tiểu thương kinh doanh tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ cho biết - nếu đầu tháng 8, giá các loại gạo tại cửa hàng ông tăng từ 1.500 - 2.300 đồng/kg thì hiện chỉ tăng nhẹ ở mức từ 200 - 300 đồng/kg tùy loại.

“Giá gạo có nhảy múa nhưng phần lớn số lượng mua đã chững lại do người tiêu dùng trữ đủ gạo. Tôi nghĩ sức mua trong vài ngày tới cũng không biến động nhiều vì giải pháp bình ổn giá đâu đã vào đấy” - ông Tấn nói.

Cụ thể, khoảng 1 tháng trước đây, khi giá gạo tăng cao, mỗi ngày ông Tấn phải nhập gạo liên tục để đáp ứng khoảng 400 – 500 kg gạo cho khách hàng, đỉnh điểm có hôm lên đến 700 kg. Hiện tại, lượng gạo bán ra đã trở về mức bình thường. Trung bình mỗi ngày, cửa hàng ông Tấn tiêu thụ khoảng 200 kg gạo các loại, bằng với ngày thường khi giá gạo chưa rục rịch tăng.

Tương tự, bà Ngọc - chủ cửa hàng gạo tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ - cũng đánh giá sức mua của người tiêu dùng đã giảm đáng kể so với 1 tháng trước.

“Giá gạo không còn tăng mạnh từ 2.000 – 3.000 đồng mỗi kg như trước. Sức mua của người tiêu dùng đã trở lại mức bình thường, các loại gạo được lựa chọn nhiều vẫn rơi vào khoảng 17.000 - 18.000 đồng/kg. Tôi nghĩ bên cạnh nguyên nhân người dân đã trữ đủ gạo thì việc giá gạo dần hạ nhiệt cùng những chính sách bình ổn giá đã làm họ yên tâm nên giảm bớt sức mua” - bà Ngọc chia sẻ.

Xu hướng trữ gạo hạ nhiệt

Trước diễn biến giá gạo đã hạ nhiệt dần, xu hướng dự trữ gạo của người dân cũng giảm bớt đáng kể. Hầu hết người tiêu dùng chỉ mua đủ số lượng cần thiết cho gia đình.

Người tiêu dùng chỉ mua đủ số lượng gạo cần thiết cho gia đình. Ảnh: Mỹ Ly

Chứng kiến giá gạo dần ổn định lại, bà Võ Thị Mười (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) mừng rỡ: “Trước kia, khi giá gạo tăng mạnh, hàng xóm của tôi ai cũng mua gạo dự trữ để phòng trường hợp giá tăng tiếp. Nhà tôi do điều kiện kinh tế khó khăn nên chỉ mua vừa đủ số lượng cần dùng. Nay, giá gạo dù có tăng nhưng không nhiều, nhà tôi cũng đỡ lo lắng hơn. Bởi vật giá leo thang, nếu gạo mà vẫn tăng mạnh như hồi đầu tháng 8 sẽ khiến gia đình tôi càng chật vật hơn”.

Cũng nhẹ nhõm khi giá gạo hạ nhiệt, ông Nguyễn Văn Út (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cho biết sẽ dừng việc mua gạo dự trữ trong thời gian tới.

“Lúc trước, lo lắng giá gạo sẽ còn tăng mạnh nên tôi đã mua gạo dự trữ trong nhà. Nay, số gạo dự trữ đủ cho gia đình tôi sử dụng trong vài tháng. Tuy nhiên, theo tình hình này, tôi nghĩa giá gạo sẽ không biến động mạnh nữa. Cho nên, sau khi dùng hết số gạo dự trữ này, tôi chỉ mua đủ số lượng cần thiết cho gia đình” - ông Út chia sẻ.

Cũng dừng việc dự trữ gạo, chị Nguyễn Ngọc Giàu (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) cho hay sẽ chỉ mua tiếp khi nào số gạo trữ trong nhà dùng hết. Bởi với chị, việc mua gạo dự trữ cũng bất đắc dĩ vì sợ gạo tăng cao hoặc hết hàng sẽ không mua được.

Nhưng hiện tại, với đà này, chị Giàu nghĩ giá gạo sẽ sớm được bình ổn lại. Cho nên, thay vì mua gạo dự trữ, chị sẽ chỉ mua đủ cho cả nhà ăn trong 1 tháng, tiền để chi cho những khoản cần thiết hơn.

Cũng theo những người tiêu dùng này, giá gạo dù còn ở mức cao nhưng đã ổn định trở lại nên việc mua gạo dự trữ với họ là không cần thiết. Bởi nếu bỏ số tiền lớn để mua gạo dự trữ sẽ khiến chi tiêu trong gia đình có chút thiếu hụt. Bên cạnh đó, việc bảo quản cũng gặp nhiều bất tiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn