MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá lúa gạo tăng cao kỷ lục trong thời gian qua. Ảnh: TTXVN

Giá gạo tăng cao kỷ lục: Hệ luỵ đau đớn nếu "đầu cơ" gạo

Cường Ngô LDO | 13/08/2023 17:26

Theo chuyên gia kinh tế, hiện nay vẫn chưa biết chính sách của Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo kéo dài trong bao lâu, nên nếu ồ ạt mua vào nhiều để đầu cơ, rồi bất ngờ Ấn Độ dỡ thông báo, khi đó lại đổ xô bán tháo, chắc chắn sẽ lỗ.

Giá gạo tăng từng ngày

Theo khảo sát của PV Báo Lao Động tại các chợ dân sinh ở Hà Nội cho thấy, mỗi cân gạo Tám Lùn, Thơm Thái hiện có giá 19.000 đồng/kg; Tám Hải Hậu 22.000 đồng/kg; Bắc Hương 17.000 đồng/kg; Tám Campuchia 25.000 đồng/kg.

Theo các tiểu thương, tất cả các loại gạo đều lên giá trong vài tuần gần đây. Một số loại gạo còn thay đổi giá liên tục theo ngày, thậm chí theo giờ, khiến họ không kịp cập nhập giá mới. Điều này khiến không ít khách hàng phản ứng.

Chị Nguyễn Thị Mến, một tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, giá gạo lên nhanh, mỗi lần tăng tận 1.000-2.000 đồng/kg. Đây là điều mà hơn 10 năm nay chị chưa từng thấy.

“Giá gạo gần như giữ nguyên từ năm này qua năm khác, có tăng thì tối đa lên khoảng vài nghìn đồng mỗi năm”, chị Mến nói và cho biết thêm, giá gạo hiện giờ còn tăng nhanh hơn thời điểm COVID-19.

Chị Mến dẫn chứng: “Cách đây 1 tuần, gạo Bắc Hương có giá 16.000 đồng/kg, sau đó tăng lên 17.000 đồng/kg và giờ mua lô hàng mới đã phải tăng thêm 1.000 đồng/kg, cho nên khi hàng mới về sẽ phải bán giá 18.000 đồng/kg.

Đã vậy, việc nhập gạo cũng gặp khó khăn do các đầu mối không muốn bán để giữ giá. Có những mặt hàng phải gọi nhiều nơi mới mua được.

“Bình thường, đầu mối họ tìm mình, giờ mình phải đi tìm mối để có hàng. Thậm chí, tìm được rồi còn bị bắt trả tiền ngay trong đêm mới giữ được hàng”, chị Mến than thở và cho hay, tình trạng này kéo dài thì các tiểu thương sẽ rất khó khăn.

Đến nay, giá gạo đã tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Anh Tuấn

Trao đổi với Lao Động, ông Dương Đức Quang - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, gần đây, giá gạo thế giới đã lên mức cao nhất trong vòng 11 năm, giúp giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng theo, cụ thể tăng khoảng 15% trong vòng 4 tháng qua.

Hiện nay, giá bán gạo của Việt Nam đang cao hơn gạo xuất khẩu của Thái Lan và Ấn Độ, tuy nhiên, nhu cầu đối với gạo Việt Nam vẫn khá lớn.

"Với những lo ngại về sụt giảm nguồn cung nghiêm trọng do ảnh hưởng của El Nino, tôi cho rằng, giá gạo vẫn còn nhiều dư địa tăng trong 6 tháng cuối năm. Trong kịch bản xấu nhất, khi El Nino tiếp tục gây ra thiệt hại đối với vụ lúa thứ 2 trong năm tại các quốc gia châu Á, giá cao hoàn toàn có thể tăng thêm từ 15 – 20%", ông nói.

Hệ luỵ khi đầu cơ gạo

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh, thị trường đang có biểu hiện cung ít hơn cầu nên diễn biến giá tăng chắc chắn còn xảy ra.

Ông nói: “Tôi tin rằng, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam đang rất tranh thủ để nắm cơ hội xuất khẩu lần này. Do đó, việc đầu cơ giữa các hệ thống trung gian là không thể tránh khỏi. Vì thế, cần thiết phải có giải pháp ngăn chặn các trường hợp đầu cơ, gây bất ổn thị trường".

Theo ông Thoả, hiện vẫn chưa biết chính sách của Ấn Độ kéo dài bao lâu, nên nếu ồ ạt mua vào nhiều để đầu cơ, rồi bất ngờ Ấn Độ dỡ thông báo, khi đó lại đổ xô bán tháo, chắc chắn sẽ lỗ.

“Theo quy luật thị trường, giá lên cao rồi sẽ phải xuống, khi giá xuống, nếu doanh nghiệp không kịp trở tay thì sẽ có nhiều rủi ro.

Vì vậy, trước mắt, các doanh nghiệp nên tính toán kỹ lưỡng khi mua lượng hàng ở mức hợp lý và đảm bảo chất lượng đầu vào”, chuyên gia Nguyễn Tiến Thoả lưu ý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn