MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng cao. Ảnh: Hải Nguyễn

Giá gạo tăng từng ngày, tiểu thương thấp thỏm lo bị "bom" hàng

Cường Ngô - Minh Hà LDO | 07/08/2023 16:36

Việc giá gạo liên tục "nhảy múa" trong những ngày vừa qua khiến cho nhiều tiểu thương đứng ngồi không yên và đối mặt với nguy cơ phải bù lỗ.

Giá gạo tăng từng ngày

Là tổng đại lý gạo được 13 năm, đây là lần đầu tiên chị Lê Thị Phúc (Hà Nội) thấy giá gạo tăng "chóng mặt" như vậy. Chị cho biết, thời điểm trước dịch COVID-19, giá gạo cũng tăng nhưng không đáng kể. Đến bây giờ, giá gạo đã tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Thời điểm này, giá gạo mỗi ngày mỗi khác. Có thời điểm, tôi gọi cho đối tác trong Nam để lấy gạo, ban đầu họ báo giá 15.000 đồng/kg, nhưng chỉ 30 phút sau, họ báo lại giá gạo tăng lên 15.500 đồng/kg, thậm chí cao hơn.

Trong khi đó, với những khách quen, tôi không dám lên giá vì sợ mất khách. Hiện tại, mỗi một tạ gạo, tôi phải bù lỗ 70.000 đồng. Tôi cũng không dám nhập nhiều vì sợ nếu giá gạo thời gian tới chững lại hoặc xuống thấp, không ai bù lỗ cho tiểu thương chúng tôi", chị Phúc cho hay.

Không chỉ giá gạo tăng cao, theo chị Phúc, việc nhập gạo từ miền Nam về Hà Nội cũng rất khó. "Nhiều đối tác của chúng tôi cho rằng hiện nay, các đơn hàng gạo xuất khẩu giá tăng rất cao, cho nên họ ưu tiên các hợp đồng xuất khẩu gạo giá cao, ít bán cho tiểu thương trong nước.

Cách đây hai ngày, tôi đã chuyển khoản 300 triệu đồng tiền mua gạo cho đối tác ở Đồng Tháp, nhưng sau đó, đối tác báo huỷ và chuyển trả tiền lại cho tôi", chị Phúc nói.

Chị Phúc cho biết, những ngày này, giá gạo tăng chóng mặt, nhập hàng khó khăn. Ảnh: Minh Hà

Hôm 6.8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị 24 về đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo.

Chỉ thị đưa ra trong bối cảnh một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá mặt hàng này trong nước lên cao bất hợp lý.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, địa phương rà soát quy hoạch, vùng trồng, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa một năm.

Bộ này cùng Bộ Công Thương, các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực, thế giới; tình hình sản xuất, sản lượng lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

"Cần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống", Chỉ thị của Thủ tướng nêu.

Không lo thiếu gạo trong nước

Trao đổi với phóng viên Lao Động, GS.TS Võ Tòng Xuân - nhà khoa học hàng đầu về lúa gạo cho biết, sở dĩ giá lúa gạo tăng cao vì tại Ấn Độ - quốc gia có lượng xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - vào cuối tháng 7.2023 đã ra lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường. Sau Ấn Độ, một số quốc gia khác như Nga, UAE cũng ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Động thái của các nước nói trên đã đẩy giá gạo toàn cấu tăng chóng mặt bởi cầu đang lớn hơn cung và nhiều nước đẩy mạnh thu mua gạo để phục vụ nhu cầu trong nước.

Theo ông, hiện nay, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất tốt để gạo Việt vươn xa hơn, giá cao hơn. Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội thuyết phục, ký hợp đồng dài hạn, ký thêm các hợp đồng “tương lai” để xuất khẩu gạo trong năm tới với giá “tương lai” để đảm bảo chắc chắn đầu ra hạt gạo với giá cả hợp lý.

Về nguồn cung lúa gạo cho xuất khẩu cũng như đảm bảo an ninh lương thực cho thị trường trong nước, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm.

Theo ông, cách chúng ta bố trí quy hoạch vùng trồng lúa rất an toàn. Cụ thể đối với lúa phục vụ thị trường trong nước, chúng ta lấy diện tích dọc theo biên giới Campuchia (ở đây là vùng phía Bắc của An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp) với khoảng hơn 1,5 triệu ha. Nước ở vùng này lúc nào cũng có và không bao giờ bị nước mặn dâng lên.

Như vậy, chúng ta sẽ có dư lúa ở vùng giữa biên giới Campuchia với bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng này hiện đang được canh tác 3 vụ lúa mỗi năm.

“Về mặt sản xuất nông nghiệp, chúng ta đang bố trí hợp lý để đón đầu được biến đổi khí hậu và chúng ta cũng đang chọn các giống lúa ngắn ngày có thể canh tác 3 vụ/năm. Trong khi đó Ấn Độ, Thái Lan hay Philippines sẽ không làm được như Việt Nam”- GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn