MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam nhiều thời điểm đứng đầu thế giới

Cường Ngô LDO | 26/04/2023 16:50
Bộ Công Thương cho rằng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong quý I/2023. Nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.  

Giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng, có thị trường tăng 30%

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 1,85 triệu tấn gạo với trị giá 981 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 529 USD/tấn, tăng 8,8% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022.

Bộ Công Thương cho rằng, với các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, cùng các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I/2023 vẫn đạt được những kết quả tốt.

Trong đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong quý I/2023. Nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.  

Thị trường xuất khẩu gạo trong quý I/2023 ghi nhận sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 ở cả các thị trường truyền thống như Philippines tăng 44,8%; Trung Quốc tăng 118,8%; và thị trường tiềm năng như Chile tăng gấp 25 lần; Singapore tăng gần 30%.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng cao. Ảnh: Hải Nguyễn 

Đặc biệt, trị giá xuất khẩu gạo sang EU ghi nhận tăng trưởng rất tốt ở nhiều thị trường nhờ xuất khẩu các sản phẩm gạo thơm, gạo phẩm chất chất lượng cao với giá trị gia tăng cao.

Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng gia tăng, đáp ứng được yêu cầu từ cả các thị trường khó tính. Đồng thời cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Giá gạo dự báo tiếp tục tăng

Nhận định về thị trường xuất khẩu gạo tại Hội nghị đánh giá tình hình xuất khẩu gạo quý I/2023 diễn ra ngày 26.4, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay, hiện nay nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường truyền thống của Việt Nam như Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi tiếp tục tăng.

Tại các nước châu Âu, do xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.

Trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo tăng, nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan hạn chế, Việt Nam đang có lợi thế nguồn cung có sớm từ vụ lúa đông xuân; sản lượng, chất lượng lúa gạo ổn định, nên dự báo trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam vẫn ở mức tốt..

"Nhìn chung về thị trường xuất khẩu gạo năm nay về phía nguồn cung thấp hơn nhu cầu nên đầu ra thuận lợi, vấn đề của ngành gạo năm nay là khâu sản xuất và liên kết sản xuất sao cho có các chủng loại gạo phù hợp với nhu cầu thị trường", ông Nguyễn Ngọc Nam nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, để thúc đẩy tăng trưởng ngành gạo, thời gian tới, các hiệp hội, doanh nghiệp, đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, có kiến nghị để Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo như Nghị định 103, Nghị định 107/2018 để tạo tiền đề, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trao đổi với Lao Động, GS Võ Tòng Xuân - nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam - cho biết, sở dĩ giá gạo của Việt Nam ngày càng cao là bởi từ doanh nghiệp cho đến người nông dân trồng lúa đều có ý thức về sản xuất sạch. 

Thay vì bón nhiều phân đạm, phân hoá học như thời điểm trước, bây giờ bà con trồng lúa sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh trong sản xuất để tăng chất lượng lúa gạo, đồng thời bảo vệ đất tránh bị cằn cỗi, mất các vi sinh vật trong đất. 

"Chúng ta có phương thức sản xuất lúa gạo sạch nên việc tiêu thụ gạo ngày càng thuận lợi. Các khách hàng của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia… rất thích gạo Việt Nam vì chất lượng ngon cơm. 

Ở Thái Lan chỉ có gạo mùa bán được giá cao lên tới 800 USD/tấn, song các loại gạo khác không ngon bằng gạo Việt Nam, giá rẻ hơn gạo Việt Nam", GS Võ Tòng Xuân khẳng định.

GS Võ Tòng Xuân cũng cho biết thêm một số thuận lợi của lúa gạo Việt Nam so với các nước trong khu vực là có thể trồng được ngắn ngày, 2-3 vụ/năm, trong khi các nước khác không làm được điều đó. 

Do đó, ông cho rằng, trong thời gian tới, nếu bà con nông dân trồng lúa tiếp tục áp dụng phương thức sản xuất sạch thì giá lúa gạo của Việt Nam tiếp tục tăng cao hơn nữa. Đó là tín hiệu rất đáng mừng đối với bà con nông dân, doanh nghiệp và ngành lúa gạo của Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn