MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại tiếp tục tăng thêm 5 USD/tấn. Ảnh: Vũ Long

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng, dự báo không dưới 650 USD/tấn

Vũ Long LDO | 15/10/2023 12:29

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng thêm 5 USD/tấn, đang cao nhất trong các nước xuất khẩu gạo. Dự báo Việt Nam ổn định nguồn cung cho quý I/2024.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể không dưới 650 USD/tấn

Ngược với việc liên tục “lao dốc” của gạo một số nước, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 5 USD/tấn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến sáng 15.10, sau khi tăng thêm 5 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán trên thị trường thế giới với mức 623 USD/tấn, gạo 25% tấm chào bán với giá 608 USD/tấn.

Như vậy, không tính việc Ấn Độ đang tạm ngừng xuất khẩu gạo trắng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao nhất so với 2 nước nước xuất khẩu gạo truyền thống là Thái Lan và Pakistan.

Hiện tại, gạo xuất khẩu của Thái Lan chào bán với giá 581 USD/tấn (gạo 5% tấm), 533 USD/tấn (gạo 25% tấm) và 459 USD/tấn (gạo 100% tấm), thấp hơn giá gạo Việt từ 45-75 USD/tấn.

Việt Nam đảm bảo nguồn cung lúa gạo ổn định, tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo trong năm 2024. Ảnh: Vũ Long

Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Pakistan ở mức 563 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 483 USD/tấn và gạo 100% tấm có giá 458 USD/tấn, thấp hơn giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ 60-125 USD/tấn tùy loại.

Tham khảo từ giá gạo của Myanmar cũng cho thấy, hiện quốc gia này đang xuất khẩu gạo 5% tấm với giá từ 588-592 USD/tấn, thấp hơn giá gạo Việt Nam khoảng 35 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu tăng đang hỗ trợ cho đà tăng của giá gạo trong nước, khi nhu cầu thu gom lúa của thương lái vẫn tiếp tục tăng.

Giá gạo nguyên liệu, thành phẩm đã được điều chỉnh tăng từ 50-100 đồng/kg. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 bán ra ở mức 12.500 - 12.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 dao động quanh mốc 14.450 - 14.550 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg…

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, 9 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,4 triệu tấn, tương ứng 3,5 tỉ USD, tăng 20% về lượng và tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, Ấn Độ vẫn duy trì lệnh cấm gạo kéo dài đến nửa đầu năm 2024, giá gạo xuất khẩu vẫn tiếp tục ở mức cao, trong đó, nhờ chất lượng vượt trội, giá gạo của Việt Nam ở tốp đầu, có thể không dưới 650 USD/tấn.

Không sợ đứt đoạn nguồn cung trong quý I/2024

Trước việc tăng cường gom mua của các quốc gia nhập khẩu gạo như Philippines, Indonesia, một số nước châu Phi, Hàn Quốc..., câu hỏi đặt ra là liệu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam có bị lỡ cơ hội xuất khẩu trong giai đoạn đầu năm 2024, khi lượng gạo đã được "vét kho" để thực hiện các đơn hàng phải giao trong năm 2023. Đặc biệt, liệu có thiếu hụt nguồn cung với các đơn hàng phải giao trong tháng 1.2024...

Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định: "Nhờ đặc thù trồng lúa 3 tháng một vụ, tháng 1.2024 Việt Nam sẽ có khoảng 1,2 triệu tấn thóc của vụ đông xuân. Do đó, nguồn cung cho nội địa và xuất khẩu vẫn được đảm bảo".

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đôn vẫn tin tưởng: "Xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục lạc quan trong nửa đầu năm 2024 khi hiện nay, Chính phủ Indonesia cần nhập khẩu thêm 1,5 triệu tấn gạo trong thời gian sớm nhất. Đối với nhu cầu nhập khẩu gạo của quốc gia này, gạo Việt Nam và Thái Lan đang là 2 nguồn cung ứng chính".

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thị trường Philippines đã quen ăn các chủng loại gạo do Việt Nam cung cấp là gạo chất lượng cao và thơm nhẹ. Trong khi đây là phân khúc khác biệt của Việt Nam, cũng là lợi thế của gạo Việt: Gạo thơm Việt dù nằm dưới phân khúc gạo thơm Hom Mali của Thái Lan, nhưng lại nằm trên phân khúc gạo cấp thấp, nên có khả năng cạnh tranh rất tốt, đặc biệt là cạnh tranh về giá bán.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn