MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được điều chỉnh tăng ở phiên thứ 3 liên tiếp, hỗ trợ giá lúa trong nước tăng. Ảnh: T.Long

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng, gạo Thái Lan “lao dốc”

Vũ Long LDO | 15/03/2022 15:22

Trong khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm 5 USD/tấn, thì gạo Thái Lan giảm mạnh. Đây là lần thứ 3 liên tiếp giá gạo của Việt Nam tăng.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng phiên thứ 3 liên tiếp

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 15.3.2022, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chào bán trên thị trường quốc tế giữ vững đà tăng, với mức tăng nhỏ nhưng ổn định 5 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và gạo 25% tấm; giá gạo 100% tấm vẫn giữ nguyên không điều chỉnh.

Sau khi điều chỉnh tăng, giá gạo 5% tấm của Việt Nam bán ra ở mức 418 USD/tấn, gạo 25% tấm chào bán với giá 393 USD/tấn; gạo 100% tấm giữ nguyên ở mức 338 USD/tấn.

Ngược với xu thế tăng lạc quan của giá gạo xuất khẩu Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan bước vào tuần mới với phiên điều chỉnh giảm khá sâu: Mức giảm lên tới 15 USD/tấn đối với 2 loại gạo 5% tấm và 25% tấm. Riêng gạo 100% tấm của Thái Lan được điều chỉnh giảm mạnh tới 18 USD/tấn.

Với mức điều chỉnh “sốc” như trên, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan hiện tại đã thấp hơn gạo của Việt Nam 8 USD/tấn (gạo 5% tấm). Riêng gạo 25% tấm của Thái Lan mặc dù đã được điều chỉnh giảm tới 15 USD/tấn nhưng hiện vẫn cao hơn gạo Việt Nam 15 USD/tấn. Gạo 100% tấm của Thái Lan dù giảm 18 USD/tấn vẫn cao hơn gạo Việt Nam tới 67 USD/tấn. Đây là điểm bất lợi của gạo Thái Lan trong xuất khẩu loại gạo 25% tấm và 100% tấm ở giai đoạn hiện nay.

Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ và Pakistan vẫn giữ nguyên và thấp hơn giá gạo xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, gạo 5% tấm của Ấn Độ có giá 343 USD/tấn; gạo 25% tấm có giá 323 USD/tấn; gạo 100% có giá 313 USD/tấn.

Gạo 5% tấm của Pakistan có giá 338 USD/tấn; gạo 25% tấm có giá 316 USD/tấn. Gạo 100% tấm có giá 330 USD/tấn.

Tại thị trường trong nước, giao dịch lúa gạo khá ổn định. Hiện tại, giá gạo nội địa tăng nhẹ, dù lượng gạo nguyên liệu về nhiều, các kho tăng cường nhập vào. Giá gạo tăng cũng hỗ trợ giá lúa tăng thêm khoảng 100–200 đồng/kg, giao dịch khởi sắc. Hiện nay, số lượng lúa cắt trong vòng 1 tuần này đã được các doanh nghiệp và thương lái đặt cọc thu mua hết.

Các thương nhân ngành  lúa gạo cũng thông tin, trong 2 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo khá lạc quan, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường lớn như Philippines, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà... vẫn ở mức lạc quan.

Xuất khẩu gạo lạc quan

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2.2022 cả nước xuất khẩu 468.952 tấn gạo, tương đương 223,34 triệu USD, giá trung bình 476,3 USD/tấn. So với tháng 2.2021, xuất khẩu gạo thì tăng mạnh 52% về lượng và tăng 33,2% kim ngạch. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo giảm 12,4% về giá.

2 tháng đầu năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 974.556 tấn (tăng mạnh 48,6% so với 2 tháng đầu năm 2021), thu về gần 469,26 triệu USD (tăng 30,6%).

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, đạt trên 539.231 tấn, tương đương 250,35 triệu USD, giá trung bình 464,3 USD/tấn, tăng mạnh 110,7% về lượng, tăng 81,9% về kim ngạch; chiếm 55,3% trong tổng lượng và chiếm 53,4% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước.

Trung Quốc đứng thứ 2 với 81.884 tấn, tương đương 40,82 triệu USD, giá trung bình 498,5 USD/tấn, chiếm trên 8% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.

Thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 95.946 tấn, tương đương 38,02 triệu USD, giá 396,3 USD/tấn, tăng 205,7% về lượng và tăng 127,8% kim ngạch, chiếm 9,9% trong tổng lượng và chiếm 8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn