MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá gạo giảm kéo giá lúa trong nước giảm, xuất khẩu gạo kém sôi động. Ảnh: Tuấn Hường

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm

Vũ Long LDO | 16/07/2021 14:21
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm theo đà giảm của thế giới, xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo khó khăn.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), ngày 14.7.2021, giá gạo xuất khẩu chào bán trên thế giới bình quân đạt 421 USD/tấn, là mức thấp nhất trong vòng 1 năm đối với gạo Việt Nam; trong vòng 19 tháng đối với gạo Thái Lan và trong vòng 7 tháng đối với gạo Ấn Độ.

Theo mức giá gạo xuất khẩu bình quân của thế giới do FAO công bố, từ ngày 23.6 đến nay, giá gạo liên tục giảm: Ngày 23.6.2021, giá gạo 5% tấm là 447 USD/tấn; ngày 30.6.2021 giảm xuống còn 434 USD/tấn. Ngày 7.7.2021 giảm còn 431 USD/tấn và giá gạo công bố kỳ gần đây nhất (14.7), giảm xuống chỉ còn 421 USD/tấn.

Nhiều doanh nhân xuất khẩu gạo cho biết: Đây là mức giá bình quân của cả thế giới, còn tính riêng, có thể giá gạo xuất khẩu của nước này cao hơn nước kia. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu đang ở mức thấp, nếu không không khéo đàm phán và tính toán, doanh nghiệp sẽ bị lỗ.

Riêng đối với gạo xuất khẩu của Việt Nam, theo Reuters, giá gạo trắng 5% tấm đông xuân của Việt Nam tuần này không đổi so với tuần trước, ở mức 465-470 USD/ tấn, là mức thấp nhất kể từ tháng 7.2020.

Giá gạo xuất khẩu liên tiếp xuống thấp khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn. Ông Nguyễn Trung Kiên – Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty CP Gentraco – một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam, cho biết: Với giá này, doanh nghiệp bị lỗ. Bởi, hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc gặt lúa hè thu đang hết sức khó khăn. “Ký với mức giá thấp xong không có gạo để xuất đi, doanh nghiệp càng khó khăn” – ông Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh.

Doanh nhân Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng chia sẻ: Ngành lúa gạo đang hết sức khó khăn bởi sự cạnh tranh khốc liệt của gạo giá rẻ Ấn Độ. Nếu không ngừng nhập gạo Ấn Độ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo có quy mô nhỏ lẻ rất khó gắng gượng.

Tham khảo nhiều nguồn tin, PV được biết, hiện nay hầu như chưa có doanh nghiệp nào ký được hợp đồng xuất khẩu gạo, một phần bởi giá gạo xuất khẩu xuống quá thấp trong khi giá cước tàu biển, chi phí thuê container quá cao, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp…, rất nhiều yếu tố bất lợi tác động lên hoạt động xuất khẩu gạo.

Giá gạo xuất khẩu bình quân trên thế giới. Nguồn: theo FAO

Quyết tâm thu hoạch vụ hè thu thắng lợi trong dịch bệnh

Hiện tại, diễn biến dịch COVID-19 ở nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa lớn nhất cả nước, đang phức tạp, nhiều địa phương áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Chính phủ, việc thu hoạch, lưu thông hàng hóa trong đó có mặt hàng lúa gạo đang gặp nhiều khó khăn. UBND tỉnh Đồng Tháp đã lên 3 kịch bản để thu hoạch, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, tỉnh Đồng Tháp sẽ chỉ đạo nhiều ngành chức năng có liên quan hỗ trợ, giúp người dân, hợp tác xã từ công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ lúa gạo khi vụ thu hoạch. Tỉnh Đồng Tháp sẽ huy động các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản, thiết bị sấy nông sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ người dân sơ chế, bảo quản.

Tỉnh An Giang cũng hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 để giúp dân thu hoạch 1,3 triệu tấn lúa hè thu. Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: Tỉnh thống nhất các kiến nghị của địa phương hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 theo hình thức mẫu gộp đối với người thu hoạch, vận chuyển, thương lái, doanh nghiệp đến địa bàn thu mua lúa hè thu 2021.

Các doanh nghiệp thực hiện vận chuyển và thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh An Giang đăng ký danh sách phương tiện vận chuyển đường bộ. Theo đó, Sở Giao thông - Vận tải sẽ hướng dẫn các thủ tục làm thẻ xanh vận chuyển hàng hoá đi qua các địa bàn đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn