MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ổn định ở mức cao trong gần 11 tháng qua. Ảnh: TTXVN

Giá gạo xuất khẩu đạt trên 493 USD/tấn: Đừng giành thị trường mà để mất giá

Vũ Long LDO | 23/11/2020 16:59

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao kỷ lục, bình quân đạt khoảng 493 USD/tấn là tín hiệu lạc quan cần duy trì, không để "mất giá".

Giá gạo Việt Nam trụ vững ở mức cao kỷ lục 9 năm

Từ đầu năm đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới tiếp tục tăng mạnh khoảng trên 12%, bình quân đạt khoảng 493 USD/tấn.

Nguồn tin từ các thương nhân cho biết, ngày 22.11, trên thị trường thế giới, giá gạo 5% tấm của Việt Nam chào bán ổn định ở mức 493-497 USD/tấn.

Điều này cho thấy, giá trị gia tăng của gạo đã được cải thiện, chất lượng gạo Việt Nam đang tăng cao và được thế giới công nhận.

Thống kê của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn –NNPTNT), cho biết, tính chung trong cả 10 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo sang Philippines vẫn đứng đầu về kim ngạch, đạt trên 1,86 triệu tấn, tương đương 868,66 triệu USD, giá trung bình 466,8 USD/tấn, giảm 4,3% về lượng, nhưng tăng 8,5% về kim ngạch và tăng 13,4% về giá so với 10 tháng đầu năm 2019.

“Xuất khẩu gạo sang Philippines chiếm 34,8% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và chiếm 32,9% trong tổng kim ngạch. Đây là một trong những thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam” – ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển nông sản cho biết.

Trong danh sách thị trường tiềm năng về xuất khẩu gạo, Trung Quốc đứng thứ 2 với 657.619 tấn, tương đương 379,55 triệu USD, giá trung bình 577,2 USD/tấn, tăng mạnh 54% về lượng, tăng 79,2% về kim ngạch và tăng 16,3% về giá so với cùng kỳ năm 2019.

Thị trường Ghana đứng thứ 3, đạt 490.959 tấn, tương đương 263,8 triệu USD, giá bán 537,3 USD/tấn...

Giá gạo cao kỷ lục có làm giảm sức cạnh tranh của gạo Việt?

Dù giá gạo cao, nhưng một số doanh nhân cũng bày tỏ lo ngại về mức giá gạo này "ngắn chẳng tày gang" bởi sự cạnh tranh, o ép lẫn nhau giữa các doanh nghiệp để tranh giành thị phần.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An phân tích: Gạo 5% của ta đang ở mức giá cao và từ đầu năm đến nay có nhiều thời điểm vượt cả giá gạo của Thái Lan. Tuy nhiên, tùy theo gạo 5% đó là loại gạo cụ thể tên gì để có thể bình luận mức giá cao sẽ lợi hay hại.

"Ví dụ: Gạo 5% tấm 5451; Gạo 5% tấm DT8; ...Hiện tại ở VN nói chung giá gạo 5% tấm 5451 trên 500USD/tấn hoặc gạo 5% tấm DT8 trên 550USD/tấn vẫn hút hàng vì cuối vụ (khoảng 4 tháng nữa mới có hàng). Do vậy, tùy theo suy nghĩ của từng phân khúc doanh nghiệp mà nói giá gạo cao có làm giảm sức cạnh tranh hay không. Ví dụ phân khúc các DN xuất khẩu gạo theo hướng bền vững thì nói như vậy là sai" - ông Phạm Thái Bình khẳng định.

Cũng theo ông Phạm Thái Bình, Việt Nam là quốc gia đã nhiều năm sản xuất canh tác trồng lúa đa số theo phân khúc không theo một quy trình tiêu chuẩn bền vững nào, do vậy lúa, gạo làm ra luôn luôn tiêu thụ rất bấp bênh "nay trồi mai sụt" và lặp đi lặp lại suốt hàng mấy chục năm.

"Lúa gạo Việt Nam luôn luôn cần bán và tranh nhau bán; hạ giá thành để giành khách hàng.

Một số người muốn lúa gạo Việt Nam không nên có giá cao để dễ cạnh tranh. Như vậy rõ ràng là ép người nông dân lãi ít thôi. Trong khi đó, một số thị trường không cần giá thấp như Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu... nhưng các DN cứ hạ giá gạo xuống để tranh nhau bán hàng" - ông Phạm Thái Bình nhận xét.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn