MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá hàng hóa trong ngày rằm tháng giêng vẫn ổn định, phong phú các chủng loại. Ảnh: Vũ Long

Giá hàng hóa ngày rằm tháng Giêng nguồn cung dồi dào

Vũ Long LDO | 14/02/2022 14:13

Mặc dù quan niệm “lễ quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”, nhưng sức mua năm nay ổn định trong khi nguồn cung dồi dào, giá thị trường không biến động.

Giá hàng hóa, đồ lễ ổn định

Khảo sát của PV cho thấy, tại các chợ tạm cũng như các chợ chính  ở khu vực Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng như: Cầu Diễn, Đồng Xa, Trung Kính, Quan Hoa, Thái Hà, Mơ… giá hàng hóa, thực phẩm vẫn ổn định dù sức mua tăng hơn ngày thường.

Chị Nguyễn Thu Thủy, kinh doanh mặt hàng giò, chả, cùng các loại đồ lễ như: Xôi, chè, bánh dày… cho hay: Chỉ duy nhất mặt hàng xôi gấc, gà lễ luộc sẵn là đắt hơn ngày thường khoảng 5.000 đồng/kg, còn lại giá các mặt hàng khác vẫn ổn định: Giò lụa, giò tai, giò hoa, giò gà: 200.000 đồng/kg, giò xào, chả mỡ: 180.000 đồng/kg, chả quế: 220.000 đồng/kg…

Chị Nguyễn Hồng Nhung – kinh doanh thực phẩm tại ngõ 126 Doãn Kế Thiện cũng thông tin, mặc dù là ngày rằm tháng giêng, nhưng giá gà ta vẫn chỉ khoảng 130.000-140.000 đồng/kg, rẻ hơn giá ngày 30 Tết  khoảng 10.000-20.000 đồng/kg tùy thời điểm và gần như tương đương với giá ngày thường.

“Mặc dù giá ổn định, nhưng gà sống cúng rằm tháng giêng năm nay không đắt hàng như mọi năm, lượng bán ra phải giảm đến 50% do người dân tiết kiệm hơn” – chị Nhung nói.

Cũng theo chị Nhung, người dân cúng rằm tháng giêng hầu như tùng tiệm đơn giản hơn. Thay cho việc cúng gà, có người chỉ mua thịt lợn, hay khoanh giò, đĩa xôi, chút hoa quả để dâng lễ, rất ít gia đình bày biện rình rang.

Tại các siêu thị, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá ổn định. Ảnh: Vũ Long

Tại nhiều chợ dân sinh, giá các mặt hàng thủy, hải sản tươi sống hoặc đông lạnh đều ổn định như ngày thường, không thấy tình trạng “hét giá” hay “chặt chém”  khách hàng. Tại chợ Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm, giá cá sông các loại dao động từ 65.000-100.000 đồng/kg) tùy loại và cắt khúc hay không. Cá trắm đen: 150.000 đồng/kg. Mực cấp đông: 280.000-360.000 đồng/kg tùy loại.

Mặt hàng trái cây cũng ổn định, nhưng sức mua không lớn. Chị Trần Thị Nhung, kinh doanh trái cây tại chợ Trần Vĩ (Hà Nội), cho hay: Bưởi da xanh vẫn ở mức 40.000-80.000 đồng/quả tùy giống và trọng lượng; thanh long: 22.000 đồng/kg; ổi, táo ta, xoài: 15.000 đồng/kg; quýt miền Nam: 35.000 đồng/kg…

“Do những ngày đầu năm mới, do người dân đã mua sắm đủ trước Tết, nên nhu cầu mua hàng hóa vẫn chưa cao. Người dân chủ yếu cúng rằm đơn giản nên lượng bán ra không nhiều” – chị Nhung chia sẻ.

Tại các siêu thị, nguồn cung hàng hóa cũng dồi dào và giá ổn định.

Nguồn cung dồi dào góp phần kìm giá

Theo bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thị trường trước trong và sau Tết Nguyên đán ổn định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu bảo đảm đầy đủ, phong phú, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Người dân cũng dâng lễ đơn giản, tiết kiệm, chủ yếu tinh thần vui vẻ trong năm mới nên không có tình trạng cúng tiến nặng nề, phản cảm.

Còn theo Bộ Tài chính, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của người dân nên giá cả dự kiến không có nhiều biến động.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước rất dồi dào, phong phú, chất lượng ổn định. nguồn cung trong nước hiện rất dồi dào. Cụ thể, sản lượng thủy sản tháng 1.2022 ước đạt 589,9 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò tăng khoảng 0,9%; tổng đàn lợn tăng 1,8% (đạt trên 28 triệu con); tổng đàn gia cầm tăng khoảng 1,9%... “Các nguồn cung về thịt gia súc, gia cầm các loại, mặt hàng thủy, hải sản, số lượng trứng, sữa, trái cây… đủ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu” nên không có sự thiếu hụt.

Đặc biệt, Bộ NNPTNT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết cũng như rằm tháng giêng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn