MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hồ thủy lợi Ia Mơr 3.000 tỉ đồng nhưng đang gặp vướng mắc về chuyển đổi đất rừng, quy hoạch vùng tưới. Ảnh: THANH TUẤN

Gia Lai: Hồ thủy lợi 3.000 tỉ đồng sẽ không lãng phí nếu có kênh dẫn

THANH TUẤN LDO | 18/05/2021 08:42

Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản đề nghị việc đầu tư xây dựng một số tuyến kênh nhánh ở công trình hồ thủy lợi Ia Mơr, huyện Chư Prông để phát huy một phần hiệu quả dự án. Trước đó, đại công trình thủy nông này được hoàn thành, tuy nhiên quy hoạch vùng tưới lại nằm trong đất rừng cần được chuyển đổi, làm dấy lên lo ngại lãng phí công trình tiền tỉ.

Theo Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8, qua rà soát có thể tiến hành đầu tư xây dựng một số tuyến kênh nhánh để phục vụ tưới được ngay trên phần diện tích đất nông nghiệp, đang được người dân canh tác. Đặc biệt có những khu vực đồng ruộng đang cấp thiết cần nước.

Các tuyến kênh nhánh nếu được xây sẽ thuộc kênh Đông, kênh Tây và kênh Bơm, với chiều dài gần 15km, với tổng số công trình trên kênh khoảng 180 công trình, tổng diện tích cấp nước tưới là 1.015ha. Kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 50,1 tỉ đồng, dự kiến sử dụng nguồn vốn kết dư còn lại của dự án la Mơr giai đoạn 2 và vốn kết dư các dự án khác do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý.

Qua rà soát hiện trạng khu tưới của UBND huyện Chư Prông, bước đầu tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ tái định cư tạm tính khoảng 8,8 tỉ đồng. Đại diện Ban 8 cho hay, để tranh thủ nguồn vốn kết dư, Ban đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo UBND tỉnh Gia Lai đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT đầu tư hệ thống kênh nhánh để kịp thời phục vụ tưới.

Sau khi Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt bổ sung đầu tư xây dựng các tuyến kênh nhánh, Ban 8 đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các Sở ban ngành hoàn thiện các thủ tục để phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, quản lý hiện trạng và hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng kịp tiến độ.

Ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai cho biết, việc đầu tư xây dựng hệ thống kênh nhánh là cấp thiết, phục vụ nước tưới tiêu cho ruộng đồng đang khô khát của người dân. Về lâu dài thì cần phải được chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp để có vùng tưới.

Như Báo Lao Động đã phản ánh trước đó, đại công trình thủy lợi 3.000 tỉ đồng đã hoàn thiện xong các hạng mục nhưng lại chưa có vùng tưới, chưa biết tưới nước vào đâu. Trong bản vẽ thiết kế, công trình dự kiến tưới cho 14.000ha đất nông nghiệp. Trớ trêu hơn, quy hoạch vùng tưới lại nằm trong diện tích đất có rừng. Và ngay dưới chân con đập nghìn tỉ này, hằng ngày người dân vùng biên giới nghèo khó vẫn mong chờ nước chảy về ruộng đồng khô khát của mình.

Thời điểm thiết kế, thi công con đập, việc chuyển đổi công năng từ đất rừng sang đất nông nghiệp theo Luật Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng khá thuận lợi và dễ dàng. Tuy nhiên, khi con đập hoàn thiện vào năm 2020 thì Luật Lâm nghiệp đã ra đời nên Gia Lai rất khó chuyển đổi vì vướng các thủ tục pháp lý. Cũng chính vì cái vướng này nên quy hoạch vùng tưới và dự án di dân vẫn còn đang nằm trên giấy.

Việc quy hoạch vùng tưới của con đập nghìn tỉ là nằm trên khu vực rừng và đất rừng, theo quy hoạch 3 loại rừng của Chính phủ. Nếu không chuyển đổi sang đất nông nghiệp thì dự án nghìn tỉ có nguy cơ lãng phí tiền của, không biết tưới nước vào đâu và không thiết thực như ý tưởng ban đầu được. Với 8.500ha đất rừng ở huyện Chư Prông là diện tích rất lớn, muốn chuyển đổi từ đất rừng sang đất sản xuất nông nghiệp ở mức quy mô này thì cần phải trình Quốc hội xin ý kiến, phê duyệt chủ trương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn