MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một dự án chăn nuôi heo tại huyện Chư Prông, Gia Lai. Ảnh: Thanh Tuấn

Gia Lai sẽ điều tra các dự án có dấu hiệu mua bán, chuyển nhượng trái phép

THANH TUẤN LDO | 03/10/2023 11:25

Đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐNĐ) tỉnh Gia Lai cho rằng, không thể mời gọi, trải thảm đầu tư khi chưa kiểm tra năng lực tài chính, kinh nghiệm của doanh nghiệp, dẫn đến việc chuyển nhượng, mua bán dự án trái phép…

Ngày 3.10, tại Hội trường 2-9 (TP Pleiku), Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) đã khai mạc phiên chất vấn giữa 2 kỳ họp năm 2023.

Tại hội nghị, đại biểu Rah Lan Lâm – Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai chất vấn Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, cho rằng, hiện nay có nhiều dự án đầu tư chậm triển khai, còn có hiện tượng núp bóng đầu tư để chuyển nhượng, mua bán dự án trái phép. Thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư còn gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Chúng ta kêu gọi trải thảm đầu tư thì phải có quỹ đất sạch, không thể để doanh nghiệp tự bơi. Đối với các dự án lớn, trọng điểm phải lập tổ công tác giám sát, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, trước nhân dân.

Nếu đã kêu gọi đầu tư thì cần chú trọng công tác hậu kiểm, để nhà đầu tư vào nhận thấy Gia Lai là mảnh đất tiềm năng, nhằm phát triển kinh tế xã hội”, đại biểu Rah Lan Lâm đặt vấn đề.

Theo ông Rơ Lan Lâm, thời gian tới, Công an tỉnh Gia Lai cũng sẽ điều tra, làm rõ ít nhất 5 vụ có dấu hiệu mua bán, chuyển nhượng trái phép, khi doanh nghiệp không đủ năng lực, chuyên môn nhưng vẫn xin chủ trương đầu tư dự án.

Quang cảnh phiên chất vấn giữa hai kỳ họp HĐNĐ tỉnh Gia Lai năm 2023. Ảnh: Thanh Tuấn

Đại biểu Nguyễn Hữu Thọ - Bí thư Huyện uỷ Đak Đoa cho biết, bức xúc hiện nay đối với các dự án đầu tư là quy hoạch chồng lấn giữa tỉnh và địa phương. Có dự án, doanh nghiệp đưa cả trụ sở UBND huyện vào quy hoạch để giới thiệu, quảng bá. Cũng có nhiều dự án nhiều năm chưa triển khai, chưa giải phóng mặt bằng như dự án siêu thị Đak Đoa khiến dư luận bức xúc.

Theo đại biểu Thọ, trước khi tỉnh làm quy hoạch, làm dự án phải có sự phối hợp giữa tỉnh và địa phương để phối hợp, tránh tình trạng quy hoạch chồng lấn gỡ không ra. Khâu giải phóng mặt bằng cần phải thông báo trước để huyện uỷ chỉ đạo chính quyền cơ sở vận động người dân đồng thuận.

Theo ông Đinh Hữu Hoà – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, thực tế hiện nay trên địa bàn nhiều dự án triển khai chậm, do nguyên nhân khách quan như dịch COVID-19, doanh nghiệp gặp khó về nguồn vốn. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng bị vướng, do giá đền bù cao. Quy hoạch vùng chưa hoàn thiện chi tiết.

Ông Hoà thừa nhận, một số dự án chậm triển khai và có chuyển nhượng lại để kiếm lợi nhuận. Qua theo dõi, việc chuyển nhượng này chủ yếu đối với các công ty đại chúng, thông qua phát hành cổ phiếu, chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư.

“Sở Tài chính tỉnh có vai trò chính trong việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm, chuyên môn của doanh nghiệp khi tham gia dự án”, ông Hoà giải trình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn