MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chăn nuôi lợn tại Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Thế Anh

Giá lợn hơi “phi mã“: Người nuôi muốn tăng đàn, Cục Chăn nuôi bảo “đừng“

L.V LDO | 14/07/2017 16:29
Sau vài ngày “chập chờn” ở mức giá 29-32 nghìn đồng/kg, đến ngày 14.7, giá lợn hơi loại 1 đã thẳng tiến đến mức 40 nghìn đồng/kg và có khả năng sẽ tiếp tục tăng. Dù đàn lợn trong dân đã cạn, nhưng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) khuyến nghị: Đừng vội tăng đàn!
Giá lợn hơi có chạm mức 45 nghìn đồng/kg?
Từ ngày 12.7, giá lợn hơi chỉ ở mức 34-35 nghìn đồng/kg. Tại các trang trại phía Bắc, số lượng lợn hơi cỡ lớn không nhiều, người dân lại có tư tưởng “ghim” hàng chờ giá, nên các thương lái phải đi “vét” tại nhiều trại khác nhau mới đủ cung ứng cho các lò mổ.
Nếu như trước đây, mỗi ngày ông Đinh Văn Quang (Mê Linh, Hà Nội) chở về Cầu Giấy 2 con lợn móc hàm, thì hiện nay mỗi ngày ông chỉ chở từ 1-1,5 con. “Giá lợn hơi tăng 10 nghìn đồng/kg buộc chúng tôi phải tăng giá các loại thịt lên 2-3 giá. Nhiều người đi chợ muộn là đã không còn hàng để mua. Việc tìm mua lợn ngon trong các hộ dân để bán ra thị trường hiện nay không dễ dàng như trước bởi lợn hiếm hơn, những con lợn ngon thường bị "ghim lại" chờ giá, hoặc phải mua với giá cao hơn” – ông Đinh Văn Quang cho biết.
Nhiều người chăn nuôi và chủ các lò mổ gia súc tại Nghệ An, Đồng Nai, Hà Nội, Ninh Bình, Hưng Yên cũng cho rằng, giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và có khả năng "cán"  mức 45 nghìn đồng/kg nếu Trung Quốc tiếp tục cho nhập lợn nguyên con qua cửa khẩu.
Vì sao không nên tăng đàn?
Trong khi giá lợn hơi "leo thang" nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ dưới 100 nái muốn tăng đàn, thế nhưng Cục Chăn nuôi lại khuyến nghị đừng vội tăng đàn. Ông Đỗ Văn Ước (hộ chăn nuôi tại xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) bức xúc: Chúng tôi đã gặp muôn vàn khó khăn trong chăn nuôi trong gần 1 năm qua. Giá lợn hơi rẻ mạt chưa từng có, cứ bán 1 con lợn, chúng tôi lỗ 1,5 triệu đồng. Bản thân tôi đã mất hàng tỉ đồng trong vụ nuôi lợn năm qua. Vậy, lúc đó cơ quan quản lý chăn nuôi ở đâu?
Không có định hướng cụ thể của cơ quan quản lý, lại bị thương lái tung tin hù dọa, người chăn nuôi hoang mang tột độ, bán tống bán tháo đàn lợn với giá rẻ mạt, giai đoạn thấp điểm nhất chỉ từ 19-20 nghìn đồng/kg. Sau đợt “giải cứu” lợn, giá tăng lên 24-25 nghìn đồng/kg, rồi “dầm chân” ở mức giá này nhiều tháng ròng.

Nhiều hộ chăn nuôi cũng cho rằng, Bộ NNPTNT chỉ đưa ra các giải pháp giải cứu khi người chăn nuôi chúng tôi đã gần như kiệt quệ. Nay giá lợn hơi đã tăng, liệu mức tăng này có bền vững không? Người chăn nuôi có nên gượng dậy, vay vốn tiếp tục nuôi lợn?

Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - khuyến nghị: Người chăn nuôi nên thận trọng, với mức giá 38-40 nghìn đồng có thể hòa vốn và lãi chút đỉnh. Nhưng nuôi một con heo thịt cũng mất 4-5 tháng. Trong khi đó, đàn heo thịt của các DN đang khá lớn. Liệu người dân có đủ sức để “đua” với các DN này? Sau 4-5 tháng, giá heo có thể xuống khi các “ông lớn” lại tung hàng triệu con heo ra thị trường. Lúc đó, người nông dân chắc chắn là chết hẳn, không thể đủ sức trả nợ ngân hàng.
Ông Nguyễn Xuân Dương – Cục trưởng Cục Chăn nuôi - cũng cho rằng: Sự tốt lên của thị trường không biểu hiện căn cốt về quan hệ cung cầu. Những tín hiệu tích cực của thị trường thịt lợn đang chỉ mang tính thời điểm, chưa ổn định. Lúc này, người chăn nuôi không nên tăng đàn, không tăng quy mô chăn nuôi.
Với quy mô đàn nái và năng lực sản xuất, công suất chuồng trại hiện có, chỉ cần tăng khả năng quản lý chăn nuôi, tổ chức sản xuất tốt là đã có thể cho phép tăng thêm 30% sản lượng thịt để đáp ứng thị trường mà không cần phải tăng đàn.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn