MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều ý kiến cho rằng, để giá thịt lợn "nhảy múa" gây thiệt hại cho người tiêu dùng một phần do năng lực yếu kém của cơ quan quản lý thị trường trong nước. Ảnh: Khánh Vũ

Giá lợn "nhảy múa": Cần tăng năng lực điều tiết thị trường

Vũ Long LDO | 14/06/2020 14:14

Trước thông tin đầu tuần lô lợn đầu tiên nhập khẩu từ Thái Lan sẽ về đến Việt Nam, giá lợn hơi trong nước tiếp tục giảm. Điều này cho thấy, lợn hơi thực chất không thiếu, vấn đề nằm ở  năng lực điều tiết thị trường.

Đẩy mạnh bán ra, giá lợn hơi tiếp tục giảm

Cập nhật thông tin từ thương nhân 3 miền cho thấy, giá lợn hơi cuối tuần vẫn tiếp tục giảm, mức giá giao dịch cả nước khoảng 84.000-92.000 đồng/kg.

Tại khu vực phía Nam,  lợn hơi tại "thủ phủ" chăn nuôi Đồng Nai giảm tiếp 1.000 đồng, giá về 88.000 đồng/kg; TPHCM giá lợn hơi giảm còn 87.000 đồng/kg. Một số tỉnh giá cao hơn, nhưng cũng đã về mốc 90.000 đồng/kg như: Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng...

Miền Trung và Tây Nguyên vẫn là khu vực có mức giá lợn hơi rẻ nhất cả nước, trong đó các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định có giá lợn hơi rẻ nhất: 84.000 đồng/kg. Tiếp theo là Quảng Bình, Huế: 86.000 đồng/kg; Quảng Nam: 88.000 đồng/kg…

Do lợn từ Thái Lan về nhiều tại khu vực phía Nam; ở phía Bắc, lượng lợn hơi tại khu vực miền Bắc cũng được các doanh nghiệp lớn đẩy mạnh bán ra để chốt giá cao trước thông tin 80 nghìn con lợn hơi Thái Lan chuẩn bị nhập về Việt Nam trong tuần mới.

Điều này cho thấy, ít nhiều có sự ghìm hàng để tăng giá, nguồn cung không khan hiếm nghiêm trọng. Lượng lợn về các chợ đầu mối đang tăng lên, số lượng lợn hơi bán ra của các doanh nghiệp tăng kéo giá lợn hơi giảm trong 10 ngày liên tục.

Cần tăng năng lực điều tiết thị trường

Theo doanh nhân Nguyễn Liên Phương - Giám đốc Học viện Doanh nhân LP Việt Nam, Chủ tịch LP Group ( Việt Nam – Australia – Du Bai), ví dụ ở Úc, 1 lít sữa, 1kg thịt lợn hay 1kg gạo bất kể được bán ở thành phố lớn như Sydney hay tại vùng xa xôi hẻo lánh chung 1 giá như nhau.

Năng lực điều tiết thị trường quá yếu kém dẫn đến “loạn” giá thịt lợn. Ảnh: Khánh Vũ

Doanh nhân Nguyễn Liên Phương cũng cho rằng, để tình trạng thừa nông sản ở tỉnh này, nhưng lại thiếu ở tình kia, đều do sự yếu kém của điều tiết thương mại.

“Vừa rồi các doanh nghiệp chăn nuôi và bộ NNPTNT có ngồi bàn với nhau tìm cách giảm giá thịt lợn, nhưng khâu lưu thông như thế nào có ai nắm được không? Trong công tác điều tiết thị trường không nên chỉ dừng ở việc ban hành những văn bản cảnh báo, khuyến nghị, đề xuất, mà cần xây dựng chế tài.

Không có thiết chế thì làm sao quản lý được. Việc bất lực của điều tiết thị trường cũng là do không đủ chế tài để xử lý”- Doanh nhân Nguyễn Liên Phương khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn