MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện nay, nông dân ở một số tỉnh, thành ở miền Tây đã bước vào giai đoạn canh tác vụ lúa Đông Xuân. Ảnh: Bích Ngọc

Giá lúa cao, nông dân vẫn trăn trở không có lãi

VÂN HI LDO | 24/12/2023 17:36

Giá lúa tăng nhưng chi phí vật tư nông nghiệp, tiền thuê máy móc, nhân công tăng khiến nông dân ở các tỉnh, thành miền Tây trăn trở, mất vui dù đang bước vào vụ lúa Đông Xuân, vụ mùa cho năng suất cao nhất năm.

Cách đây vài tuần, gia đình lão nông Nguyễn Văn Chí (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) vừa gieo sạ xong 0,5ha đất ruộng cho vụ Đông Xuân. Trái với niềm vui khi giá lúa gạo đang ở mức cao, ông Chí vẫn trăn trở một niềm vui chưa trọn, chi phí cũng tăng theo giá lúa.

Ông Chí cho biết: "0,5ha đất này là của ba mẹ để lại cho vợ chồng, canh tác gần nửa đời người mà không có được đồng dư. Nhờ đợt rồi giá lúa tăng nên có lời được chút ít. Mọi thu nhập đều từ hạt lúa, hạt gạo nhưng có bao giờ nông dân được hưởng hết hạt lúa làm ra vì đều phải chia phần cho vật tư đến nhân công, máy móc".

Theo lão nông này, khi vật tư, phân bón, tiền thuê nhân công cũng tăng theo giá gạo thì dù trúng mùa được giá nông dân cũng chẳng có lời.

"Từ lúc vào vụ mùa giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng từ 150.000 - 250.000 đồng, tùy loại. Vụ trước tiền vật tư của tôi gần 15 triệu đồng, trừ hết các chi phí tôi còn lãi được khoảng 16 triệu đồng, bằng với năm vừa rồi. Vụ này vật tư tăng thì cũng chẳng có lời bao nhiêu" - ông Chí nói.

Cùng niềm trăn trở, anh Trần Chí Công (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: Giá lúa tăng, nông dân đều mừng, nhưng chi phí canh tác, tiền thuê nhân công cũng không ngừng đội lên. Mới đây, cột sống đau, không vác lúa ra đồng sạ được phải thuê nhân công, nên tốn kém thêm vài triệu đồng.

Bước vào vụ lúa cho năng suất cao nhất năm, thị trường lúa gạo tăng cao nhưng nông dân vẫn trăn trở vì chi phí vật tư cũng đội giá. Ảnh: Bích Ngọc

"Vụ rồi tôi bán với giá 6.700 đồng/kg cao hơn bình thường 1.000 đồng, người ta cứ đồn bán được giá nông dân lãi vài trăm triệu, nhưng chỉ có nông dân mới hiểu phải cắt xén, tính toán kĩ càng như thế nào mới không phải lỗ vốn" - anh Công nói.

Theo nhiều nông dân, được mùa được giá là yếu tố cần để giúp nông dân có lời, nhưng chi phí vật tư, canh tác cũng là yếu tố quyết định nông dân lời được bao nhiêu sau khi thu hoạch.

Chị Nguyễn Thị Như Hạ (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cho biết: "Tôi lấy ví dụ, trồng lúa 3 tháng mới thu hoạch, bán được 50 triệu đồng. Nhưng nông dân làm gì được hưởng trọn vẹn 50 triệu đồng, phải trừ chi phí vật tư, tiền thuê máy móc, vụ nào tiền vật tư thấp thì có lời chút ít, còn không thì không lỗ đã là may mắn".

Theo chị Hạ, việc các chi phí sản xuất đội giá lên cũng là chuyện bình thường, vì ai kinh doanh cũng muốn có lời. Nhưng nếu như có tính ổn định trong giá cả thì nông dân đỡ trăn trở, có đồng dư, mới không còn chuyện nhiều hộ rơi vào cảnh túng thiếu, sống trong cái vòng luẩn quẩn và nghèo khó.

Theo ghi nhận, giá phân bón nội địa tại một số tỉnh, thành miền Tây hiện nay: Urea Phú Mỹ giá 450.000 - 530.000 đồng/bao (50kg); Bình Điền: 340.000 - 390.000 đồng/bao; Hà Bắc: 350.000 - 650.000 đồng/bao; Urea Indonesia hạt đục: 280.000 - 435.000 đồng/bao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn