MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng bị ảnh hưởng do thiếu nước ngọt. Ảnh: Phương Anh

Giá lúa còn cao, nông dân vừa thu hoạch đã vội gieo sạ bất chấp hạn mặn

VÂN HI LDO | 05/03/2024 08:05

Dù được cảnh báo ĐBSCL đang vào cao điểm mùa khô, tình hình xâm nhập mặn trở nên gay gắt, tuy nhiên vì giá lúa vẫn còn cao một số nông dân đã vội gieo sạ vụ lúa tiếp theo dù mới thu hoạch. Trước rủi ro chực chờ, hiện nhiều địa phương đã chủ động ứng phó để giảm thiệt hại cho nông dân.

Gieo sạ sớm vì giá lúa còn cao dù hạn mặn

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, mùa khô năm 2023 - 2024, xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, trong thời kỳ cao điểm (khoảng tháng 2 - 4.2024) có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông.

Tại một số tỉnh dọc theo sông Tiền, sông Hậu như Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre... có thể xảy ra tình trạng hạn mặn cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân như trồng lúa, cây ăn trái.

Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng dự báo trong 3 tháng đầu năm 2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 90%. Cao điểm xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ vào tháng 3. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển 40-50km trong các kỳ triều cường.

Trước tình hình thời tiết cực đoan, dù đã được ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương khuyến cáo, tuy nhiên một số nông dân tại các tỉnh ĐBSCL vẫn chủ quan gieo sạ không theo lịch thời vụ.

Tại tỉnh Hậu Giang, anh Thanh Mộng (TP Vị Thanh) vừa thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân cách đây vài tuần đã vội cải tạo đất làm vụ lúa mới. “Bình thường thu hoạch xong sẽ để đất nghỉ khoảng 1 tháng cho rơm rạ phân hủy, nhưng vụ này tôi tranh thủ xuống giống sớm. Đất chưa kịp nghỉ ngơi đã trồng vội thì lúa dễ bị sâu bệnh, hạn mặn nhưng tôi thử làm vì giá lúa vẫn còn cao nên tranh thủ”, anh Mộng nói.

Còn tại tỉnh Sóc Trăng, ông Chau Rạch Ca Na (huyện Trần Đề) canh tác 1,6ha vụ Đông Xuân muộn, hiện lúa sạ được khoảng 20 ngày. “Tôi biết vụ này trồng lúa khó khăn vì hạn mặn, nhiễm phèn nhưng thấy người ta làm mình làm theo hi vọng kiếm chút vốn”, ông Ca Na nói.

Chủ động ứng phó

Gieo sạ xong 1ha lúa, tình hình hạn mặn càng diễn biến gay gắt, anh Mộng hiện đang lo lắng trước nguy cơ mất trắng. “Thấy giá lúa cao nên chủ quan làm không suy nghĩ. Lúa hiện còn rất non, nếu thiếu nước, mặn xâm nhập coi như tôi mất chục triệu đồng tiền thuê, tiền giống. Bây giờ tôi phải ra đồng thường xuyên, theo dõi tình hình để kịp thời xử lí”, anh Mộng nói.

Tương tự, trên cánh đồng 1,7ha đất thuê của ông Trần Văn Điểm (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) hiện cũng phải xoay sở để cứu cánh đồng lúa. “Lúa 48 ngày tuổi nhưng đã bị thiếu nước hơn 1 tuần nay nên một số chỗ rễ cây bị thối, cháy lá. Để cứu lúa tôi đành bơm nước có độ mặn 1g/l vào ruộng với hi vọng còn nước còn tát”, ông Điểm nói.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã ra thông báo khẩn yêu cầu các đơn vị có liên quan tăng cường thông tin về xâm nhập mặn, nguồn nước để người dân nắm, kịp thời ứng phó. Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời có ý thức chia sẻ nguồn nước trong hoạt động sản xuất tại địa phương. Chủ động kiểm tra nguồn nước trước khi lấy nước vào bơm, tưới.

Còn tại tỉnh Hậu Giang, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu ngành chức năng và các địa phương chỉ đạo bộ phận chuyên môn theo dõi, chủ động ứng phó. Khuyến cáo người dân không lấy nước lên đồng đối với trà lúa đang ngậm sữa, trổ, chín. Trong đó, thường xuyên cử cán bộ kiểm tra mặn ngoài sông chính khi độ mặn đo được 1,5‰ thì tiến hành vận hành các cống, đập cải tiến có sẵn, đắp đập thời vụ tại các đầu kênh để ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn