MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá lúa gạo đang có xu hướng tăng cao. Ảnh: Phan Anh

Giá lúa gạo toàn cầu leo thang, nhiều nước có động thái bất ngờ

Phan Anh LDO | 10/08/2023 16:25

Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã cấm xuất khẩu vào tháng 7.2023. Quyết định này của Ấn Độ đang bắt đầu gây hiệu ứng domino trên toàn thế giới. Nhiều nước đã bắt đầu có động thái ứng phó với cuộc khủng hoảng lúa gạo toàn cầu đang có xu hướng leo thang.

Indonesia tăng diện tích trồng lúa, Thái Lan lập cơ quan theo dõi giá gạo

Ấn Độ chiếm hơn 40% xuất khẩu gạo thế giới, do đó bất kỳ sự cắt giảm xuất khẩu nào cũng có thể làm tăng giá lương thực. Đặc biệt việc làm này diễn ra trong bối cảnh thời tiết thất thường và cuộc xung đột Nga - Ukraina đang diễn ra, làm gián đoạn nguồn cung ngũ cốc.

Trước nguy cơ leo thang khủng hoảng lúa gạo toàn cầu, nhiều nước đã đưa ra biện pháp ứng phó, hoặc tận dụng thời cơ tăng cường sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu.

Tờ Nation (Thái Lan) cho biết, ngày 7.8, trong cuộc họp thảo luận về tác động của giá cả từ hiện tượng thời tiết như El Nino cũng như lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Bộ Thương mại Thái Lan quyết định thành lập cơ quan chuyên trách theo dõi các vấn đề này.

Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit cho biết, tác động của El Nino và lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ đẩy giá gạo tại Thái Lan tăng cao. Đây lại là cơ hội tốt để Thái Lan thâm nhập các thị trường từng do các nhà xuất khẩu Ấn Độ thống trị như châu Phi.

Trong khi đó Chính phủ Indonesia chuẩn bị 500.000ha đất nông nghiệp để sản xuất lúa gạo. Một thông cáo báo chí của Văn phòng Báo chí, Truyền thông và Thông tin Tổng thống (BPMI), Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Syahrul Yasin Limpo ngày 2.8 cho biết một số khu vực trong cả nước đã bày tỏ sự sẵn sàng chuẩn bị đất nông nghiệp để đảm bảo tính bền vững của kho gạo quốc gia.

Đáng chú ý, giới chức và các chuyên gia châu Phi đã bắt đầu hội nghị kéo dài 3 ngày tại thủ đô Nairobi của Kenya để thảo luận việc tăng cường an ninh lương thực ở châu lục.

Hội nghị có sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu, gồm các quan chức cấp cao, nhà khoa học từ 20 quốc gia châu Phi, Liên minh châu Phi (AU) và Liên hợp quốc. Sự kiện này nằm trong chuỗi nỗ lực của châu Phi và Liên hợp quốc nhằm bảo đảm nguồn cung lương thực ở châu lục vốn luôn là "điểm nóng” về an ninh lương thực.

"Tác dụng phụ" của lệnh cấm

Reuters dẫn nguồn Hiệp hội Nông dân Ấn Độ (BKS) cho biết: Lệnh cấm xuất khẩu gạo được công bố ngày 20.7.2023 ngay giữa vụ gieo trồng đã ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của người nông dân trồng lúa.

Nông dân nước này thường trồng lúa vào các tháng mùa mưa, bắt đầu từ tháng 6 - 7 và thu hoạch vào tháng 10. Thông tin cấm xuất khẩu gạo có thể khiến người nông dân chuyển sang các loại cây trồng khác. Điều này có thể dẫn tới sản lượng lúa gạo của Ấn Độ giảm đến 5% trong năm nay.

Bên cạnh đó, khi giá thế giới tăng nhưng nông dân Ấn Độ không được hưởng lợi cũng là một vấn đề. Đại diện BKS kêu gọi chính quyền Ấn Độ phải tăng giá thu mua gạo cho nông dân.

Cập nhật giá gạo một số nước tính đến ngày 9.8.2023. Nguồn: Hiệp hội Lương thực Việt Nam (đơn vị: USD/tấn).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn