MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kim ngạch xuất khẩu gạo trong 7 tháng năm 2023 đạt 2,58 tỉ USD, tăng 29,6%. Ảnh minh họa: Lục Tùng

Giá lúa gạo toàn cầu leo thang, Việt Nam dư 7-8 triệu tấn gạo xuất khẩu

Phan Anh LDO | 12/08/2023 10:27

Trước những biến động của giá lúa gạo và khủng hoảng lúa gạo toàn cầu đang có xu hướng leo thang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan khẳng định đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu lúa gạo

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan phục vụ phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tuần tới, an ninh lương thực (ANLT) quốc gia luôn là vấn đề thiết yếu, cấp bách khi nguồn cung và khả năng tiếp cận lương thực đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh xuyên biên giới ngày càng khốc liệt, khó lường; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ.

Việc giữ đất lúa là cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời phải bảo đảm sinh kế, thu nhập cho người trồng lúa trên cơ sở phát huy nguồn lực của Nhà nước, nhân dân và các thành phần kinh tế.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, một số biến động thị trường gần đây đặt ra thêm những thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu. Đơn cử, Ấn Độ và một số quốc gia dừng xuất khẩu gạo; Thái Lan khuyến nghị giảm diện tích trồng lúa để tránh hiện tượng El Nino; rủi ro biến đổi khí hậu nhanh hơn dự kiến; xung đột địa chính trị kéo dài...

Cập nhật giá gạo một số nước tính đến ngày 11.8.2023. Nguồn: Hiệp hội Lương thực Việt Nam (đơn vị: USD/tấn).

Theo tính toán ở mức an toàn rất cao của Bộ NNPTNT, lượng lúa dùng cho đảm bảo ANLT của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác (dùng chế biến, thức ăn chăn nuôi, dự trữ, làm giống...) khoảng 29,5 triệu tấn thóc/năm. Như vậy, chúng ta còn khoảng 13,5 triệu tấn thóc, tương đương 7-8 triệu tấn gạo dùng cho xuất khẩu.

Bên cạnh lượng sản xuất hàng năm thì hàng năm còn nhập khẩu. Ví dụ, lượng nhập khẩu từ Campuchia đạt khoảng trên 1 triệu tấn/năm, có thể bù đắp trong trường hợp cần thiết. Việt Nam cũng nhập khẩu từ Ấn Độ nhưng chủ yếu sử dụng cho nhu cầu chế biến thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi nên việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng không ảnh hưởng lớn đến gạo phục vụ cho tiêu dùng của Việt Nam.

Ngoài lúa gạo, hàng năm Việt Nam còn sản xuất bình quân khoảng hơn 7 triệu tấn thịt hơi xuất chuồng, 10 triệu tấn thủy sản và chục triệu tấn rau quả. Như vậy, về tổng thế ở cấp độ quốc gia vấn đề ANLT nếu xét trên khả năng cung cấp là đảm bảo.

Tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho xuất khẩu nông sản

Với các khó khăn trong xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) vẫn hiện hữu, nhu cầu thị trường phục hồi chậm, một số biến động thị trường gần đây đặt ra thêm những thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội.

Để khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội trong bảo đảm an ninh, an toàn nguồn cung thực phẩm trong nước và gia tăng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2023, Bộ NNPTNT sẽ tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm như:

Cập nhật, phân tích đánh giá thông tin, diễn biến thị trường một cách toàn diện, cẩn trọng để kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường.

Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương gia tăng, đổi mới tổ chức truyền thông quảng bá chất lượng đặc thù vượt trội của nông sản Việt tại thị trường trong và ngoài nước.

Chỉ đạo sản xuất linh hoạt, đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đảm bảo nguồn cung phù hợp với nhu cầu xuất khẩu.

Về dài hạn, Bộ NNPTNT ưu tiên chỉ đạo triển khai các nội dung: Hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực; Tổ chức sản xuất nông nghiệp bền vững theo mục tiêu, định hướng tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững và các giải pháp cụ thể tại các Đề án đang triển khai.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Đề án “Phát triển hệ thống logistic nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050”.

7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 29,13 tỉ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2022; nhưng các doanh nghiệp cũng đã tận dụng được thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm mặt hàng có lợi thế.

Trong đó có 4 mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu vượt trội so với cùng kỳ là rau quả (3,2 tỉ USD, tăng 68,1%), gạo (2,58 tỉ USD, tăng 29,6%), cà phê (2,76 tỉ USD, tăng 6%), hạt điều (1,95 tỉ USD, tăng 9,8%).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn