MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá lúa tăng cao, người trồng lúa tỉnh Bạc Liêu vui mừng trong nỗi lo không biết có ổn định mãi hay không. Ảnh: Nhật Hồ

Giá lúa nhảy múa, nông dân vừa vui vừa lo

NHẬT HỒ LDO | 19/08/2023 18:18

Bạc Liêu - Trên 50.000ha lúa hè thu tại Bạc Liêu chuẩn bị thu hoạch trong niềm vui trúng giá. Tuy vậy, nhiều nông dân thót tim vì giá lúa lên xuống liên tục.

Ông Nguyễn Văn Long, xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu có hơn 1ha lúa gần đến ngày thu hoạch nhưng tỏ ra kém vui dù giá lúa tăng hơn vụ trước đến 2.000 đồng/kg.

Ông Long cho biết: "Cách đây 10 ngày, tôi đã chốt giá với cò lúa mỗi ký 6.300 đồng. Năm trước, vụ này giá 5.500 đồng/kg, năm nay, giá này là có lãi rồi. Vậy mà cách đây 3 ngày, ruộng kế bên người ta chốt giá đến 8.000 đồng/kg. Ngồi không mất 1.700 đồng/kg".

Cánh đồng lúa tại xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu chưa đến ngày thu hoạch, nhưng cò lúa chốt giá 7.500 đồng/kg, cao hơn năm trước hơn 1.000 đồng/kg. Ảnh: Nhật Hồ

Huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu có trên 30.000ha lúa hè thu chuẩn bị bước vào thu hoạch. Giá lúa tăng cao ai cũng mừng vì lần đầu tiên sau 20 năm người trồng lúa lãi đậm.

Giá lúa tăng nhưng ông Trần Văn Chiếu (Tư Chiếu) vẫn thở dài: "Năm nay giá này, năm tới biết có còn đứng giá như vậy không".

Hơn 40 năm làm ruộng, ông Tư Chiếu cho rằng, 5 năm trở lại đây, ai cũng cho làm ruộng sướng: Bón phân, xịt thuốc, thu hoạch, bán lúa đều có cò, có người đến tận nhà mua. Người trồng lúa chỉ ngồi không đếm tiền.

Tuy nhiên, ông Tư Chiếu cho rằng, nghe nói làm ruộng sướng, nhưng thực tế khác hẳn. Bởi, việc thu hoạch lúa hoàn toàn phụ thuộc vào cò. Theo ông Tư Chiếu, ngoài cò lúa, còn có cò máy gặt, cò máy bay phun thuốc, bón phân… Mỗi vùng có cò khác nhau, cách ăn chia cũng khác nhau. Cò quyết định giá, chứ không phải người dân quyết định giá bán.

Giá lúa liên tiếp tăng, HTX lo xã viên bẻ kèo bán cho người khác dù đã có hợp đồng. Ảnh: Nhật Hồ

Trước tình trạng này, ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh đang tổ chức lại sản xuất bằng cách liên kết sản xuất thông qua mô hình hợp tác, hợp tác xã để hạn chế sản xuất mạnh mún, nhỏ lẻ.

Hiện tại, tỉnh Bạc Liêu gần 200 Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, chiếm chưa tới 30% diện tích sản xuất nông nghiệp. Những hộ dân sản xuất ngoài HTX khi thu hoạch hoàn toàn phụ thuộc vào cò lúa, thương lái.

Mô hình lúa tôm tại tỉnh Bạc Liêu được người dân lựa chọn trong bối cảnh giá lúa tăng cao. Ảnh: Nhật Hồ

Về phía các HTX cũng lo lắng xã viên bẻ kèo bán lúa ra ngoài. Ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc HTX Phú Cường - cho biết: "Ngay từ đầu vụ, chúng tôi đều có hợp đồng bao tiêu. Mấy ngày gần đây, giá lúa tăng cao, chúng tôi xuống các xã viên cam kết mua tăng hơn mức đã hợp đồng. Tới thời điểm này, chúng tôi cũng chưa biết có mua được đủ số lượng hay không. Bởi giá tăng thế này khiến HTX rất khó chủ động cân đối kế hoạch kinh doanh, bởi giá lúa hoàn toàn phụ thuộc vào giá xuất khẩu gạo.

Trước áp lực giá lúa tăng cao, khiến nhiều người dân tại vùng ven biển quy hoạch nuôi trồng thủy sản tự phát chuyển sang trồng lúa, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết: "Chúng tôi đang thực hiện dự án dẫn nước từ vùng ngọt về vùng mặn. Một mặt để nước ngọt hòa lẫn với nước mặn nhằm giảm độ mặn để nuôi tôm, đồng thời tận dụng nước mưa vào mùa mưa để trồng lúa".

Giá lúa tăng cao, hầu hết người trồng lúa tại tỉnh Bạc Liêu đều có lãi. Ảnh: Nhật Hồ

Tỉnh Bạc Liêu cũng quy hoạch lại hệ thống thủy lợi phục vụ cho mô hình tôm - lúa tại vùng chuyên nuôi trồng thủy sản. Dự kiến có đến gần 50.000 ha được hưởng lợi từ đề án này.

Nói về giá lúa, ông Thiều khuyến cáo, giá tôm, giá lúa là theo thị trường, người dân hết sức thận trọng chuyển đổi sản xuất. Sản xuất phải theo quy hoạch, theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn