MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau 2 năm liên tiếp, trend món gỏi gà măng cụt nhen nhóm trở lại. Ảnh: Tuệ Nhi

Giá măng cụt tăng cao: Người rục rịch trồng mới, người thận trọng sợ rủi ro

VÂN HI LDO | 16/04/2024 10:48

Trend gỏi gà măng cụt nhen nhóm trở lại khiến giá loại trái cây này liên tục tăng cao. Trước cơn sốt giá, một số nhà vườn rục rịch đốn hạ cây cũ, trồng măng cụt chạy theo trend với hy vọng làm giàu, số khác lại tỏ ra thận trọng vì e ngại rủi ro.

Rục rịch trồng cây theo trend

Mùa măng cụt bắt đầu, cơn sốt gỏi gà măng cụt nhen nhóm trở lại đẩy giá loại trái cây này liên tục tăng cao. Trước cơn sốt giá, ông Phan Văn Tuấn (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) lại rục rịch đốn hạ vườn dâu da để trồng măng cụt với hy vọng thay đổi.

Ông Tuấn cho biết: Hơn chục năm trời trồng dâu da, đồng lời chỉ khoảng chục triệu đồng/vụ, giá bán cũng thấp. Bây giờ măng cụt chín giá 70.000 - 85.000 đồng/kg, măng cụt xanh giá thấp cũng 150.000 đồng/kg, so với trồng dâu da cao hơn rất nhiều.

“Gỏi gà măng cụt phổ biến, người thân tôi trồng măng cụt bán loại còn xanh lãi cũng chục triệu đồng. Hơn nữa, đây cũng là loại cây ít sâu bệnh, dễ trồng nên tôi muốn chuyển canh tác”, ông Tuấn cho hay.

Giá măng cụt xanh tăng cao khiến nhà vườn rục rịch trồng cây theo trend với hy vọng làm giàu. Ảnh: Bích Ngọc

Đắn đo mãi, ông Tuấn quyết định chặt bỏ 0,3 ha dâu da chục năm tuổi để trồng măng cụt. Theo ông Tuấn, chặt rồi trồng là việc tự phát của gia đình ông.

Cũng với hy vọng làm giàu từ "cây trend", gia đình ông Nguyễn Văn Hận (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) rục rịch thuê đất tăng diện tích trồng măng cụt.

“Tôi cứ nghĩ giá măng cụt chỉ cao vụ trước do cơn sốt theo trend món gỏi gà mặng cụt. Thế nhưng năm nay, món ăn này phổ biến trở lại, thương lái liên tục tìm đến thu mua. Dự đoán tương lai loại trái cây này có tiềm năng giá cả nên tôi thuê 0,2 ha trồng thêm măng cụt, hy vọng có lãi nhiều”, ông Hận cho hay.

E ngại rủi ro

Trend gỏi gà măng cụt nhen nhóm trở lại khiến giá loại trái cây này tăng cao, ông Phạm Văn Chiến (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) thu về chục triệu đồng nhờ cung ứng cho thị trường măng cụt xanh. Thế nhưng, dù giá cao nhà vườn này vẫn thong thả, không thu hoạch ồ ạt hoặc tăng diện tích trồng.

Theo ông Chiến, dù đây là loại cây dễ trồng nhưng để cây cho quả cũng mất khoảng 4-5 năm đối với trồng cây ghép, 8-10 năm đối với cây trồng bằng hạt. Với thời gian dài mới cho quả thì việc tăng diện tích hoặc trồng mới để hy vọng làm giàu từ trend sẽ gặp nhiều rủi ro.

Việc trồng măng cụt theo trend tiềm ẩn nhiều rủi ro vì thời gian cây trưởng thành, cho quả lâu. Ảnh: Phương Anh

“Tôi trồng măng cụt đã hơn 20 năm, thị trường giá cả luôn không ổn định, biến động từng ngày. Giá cao như hiện nay cũng là do xu hướng, tâm lí ăn thử món gỏi gà măng cụt cho biết, còn lâu dài có thể người dân sẽ lãng quên hoặc giá bán quá cao khiến nhiều người e ngại mua”, ông Chiến cho hay.

Ông Nguyễn Văn Nhơn (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) cho biết: Việc trồng để kinh doanh măng cụt xanh là không khả quan. Phía trên mỗi quả măng cụt có cặp lá, cặp lá này quan trọng vì năm sau sẽ cho ra quả mới, khi hái măng cụt xanh buộc phải cắt bỏ cặp lá này, do đó sẽ ảnh hưởng đến năng suất năm sau.

Măng cụt xanh được cung ứng cho thị trường từ những quả được tỉa đi, không đạt chuẩn khi cho quả chín. Ảnh: Bích Ngọc

Cũng theo ông Nhơn, gia đình ông không thu hoạch trực tiếp bán quả xanh mà đa số là từ số lượng quả được tỉa đi vì không đạt chuẩn. "Hàng năm, nhà vườn sẽ cắt tỉa các quả không đạt chuẩn để giúp chất lượng trái chín thu hoạch cao hơn. Số măng cụt không đạt chuẩn, còn xanh này sẽ bán cho thương lái để cung ứng cho thị trường", ông Nhơn nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn