MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lượng thịt trâu, bò nhập khẩu khá lớn được bán tràn ngập các trang mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Giá rẻ bất ngờ, thịt trâu, bò nhập khẩu làm khó ngành chăn nuôi Việt Nam

Vũ Long LDO | 14/12/2023 06:00

Với giá rẻ chỉ bằng một nửa thịt trâu, bò trong nước, phương thức bán trên mạng thuận tiện, thịt trâu, bò nhập khẩu đang cạnh tranh gay gắt với thịt trâu, bò nuôi trong nước.

Click chuột vào giỏ hàng, mua bao nhiêu cũng có

Chị Dương Kiều Anh (33 Đặng Như Mai, Vinh, Nghệ An) cho biết, thời gian gần đây thịt trâu, bò được bán nhiều trên mạng, chất lượng khá tươi ngon, lại dễ mua, giá rẻ nên chị thường mua về chế biến.

"Chỉ cần gõ từ khóa “mua thịt trâu Ấn Độ”, “thịt trâu, thịt bò nhập khẩu”, Google cho hàng nghìn kết quả. Giá thịt trâu, bò nhập khẩu rẻ chỉ bằng nửa giá thịt trong nước" - chị Dương Kiều Anh chia sẻ.

Theo lời giới thiệu của trang web bán hàng online, thịt trâu Ấn Độ được mời chào trên trang web này chỉ có giá bằng một phần hai giá thịt trâu trong nước (giá thịt trâu tươi trong nước lên tới 250.000-350.000 đồng/kg, tùy loại).

Trang web Anbinhgroup cũng chia sẻ giá các loại thịt trâu chỉ bằng một nữa giá thịt trâu Việt Nam và khẳng định: Thịt trâu Ấn Độ an toàn vì đóng gói rút chân không khi nhập khẩu về Việt Nam.

Các trang web Phúc Đạt Food, Thực phẩm sạch HD, Cavifood Company, Handoo, Công ty Thực phẩm Đà Lạt… cũng đăng bán thịt trâu, bò nhập khẩu với đủ chủng loại, khách hàng chỉ cần 1 cú click chuột vào giỏ hàng là có thể mua được số lượng gần như không hạn chế.

Không chỉ được rao bán online, thịt trâu, bò nhập khẩu còn được bày bán nhiều tại các siêu thị, trung tâm thương mại với giá rẻ đến bất ngờ.

Thịt gia súc nhập khẩu "làm khó" ngành chăn nuôi trong nước

Ngành chăn nuôi trong nước bị ảnh hưởng bởi giá thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu quá rẻ. Ảnh: Vũ Long

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu 572.110 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,15 tỉ USD, tăng 5% về lượng.

Còn theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 10.2023, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 44 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt cho Việt Nam. Cụ thể, trong tháng 10, Việt Nam đã nhập 18.8500 tấn thịt từ Ấn Độ, trị giá 56,21 triệu USD, tăng 44,2% về lượng và tăng 34,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Điều đáng nói là, giá nhập khẩu bình quân thịt và các sản phẩm thịt từ Ấn Độ về Việt Nam giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 2.982 USD/tấn (tương đương khoảng 72.000 đồng/kg).

Lũy kế 10 tháng năm 2023, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ Ấn Độ đạt 126.930 tấn (mỗi tháng gần 12.700 tấn).

Trước tình trạng nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm từ các nước vào Việt Nam, ngành chăn nuôi trong nước gặp không ít khó khăn.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) - khẳng định: Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, việc trao đổi hàng hóa, thương mại là hoàn toàn bình thường, không thể "ngăn sông, cấm chợ".

"Chúng ta tham gia vào sân chơi lớn, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đi các nước thì phải chấp nhận "cuộc chơi", không thể giá của họ rẻ hơn thì không cho nhập. Đương nhiên, trong sân chơi này ngành chăn nuôi Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhưng phải chấp nhận. Điều quan trọng là người chăn nuôi trong nước phải cải tiến lại cách thức để giá cả có thể cạnh tranh" - ông Thắng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn