MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nếu không có cảnh báo và can thiệp kịp thời, nhiều khả năng hiện tượng tăng giá hiện nay sẽ tạo ra cơn bão tấn công cả doanh nghiệp và nhà vườn. Ảnh: Lục Tùng

Giá sầu riêng tăng nóng: Mừng và lo

LỤC TÙNG LDO | 13/02/2023 07:19
Giá sầu riêng và nhiều mặt hàng trái cây trong nước đang tăng mạnh, nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo, đó chỉ là chiếc bong bóng mong manh, dễ vỡ.

Tăng nóng từng ngày

“Giá sầu riêng tăng”, “Giá sầu riêng tăng nóng từng ngày”, "Giá sầu riêng tăng thương lái “không mua nổi”… đó là những “từ khoá nóng” đang lan tràn trên các kênh truyền thông những ngày qua. Chỉ gõ cụm từ “sầu riêng tăng giá” trên công cụ tìm kiếm đã cho ra gần 3 triệu kết quả trong 0,37 giây.

Thật vậy, từ ngay sau Tết Quý Mão, giá sầu riêng tại ĐBSCL đã tăng với tốc độ nhanh chưa từng có. Từ chỗ phải mang ra bán dọc các lề đường ở mức 40.000 - 50.000 đồng/kg trước thời điểm Tết, giá sầu riêng đã vụt vươn lên đến mức ngay cả chủ nhà vườn cũng không thể ngờ. Không chỉ được tìm đến tận nhà săn đón, thương lái còn đề ra mức thu mua cao gấp 4 - 5 lần trước đó. Thậm chí, mức giá này còn tăng lên từng ngày.

Một thương lái ở Tiền Giang chia sẻ: “Đầu tháng 2, khi đưa giá thu mua tại vườn là 200.000 đồng/kg, nhưng thấy vẫn khó có thể cạnh tranh nên chúng tôi quyết định tăng giá mua lên 220.000 đồng/kg vào ngày hôm sau để tạo lợi thế cạnh tranh”. Cứ thế, các thương lái thi nhau đẩy giá. Đến ngày 6.2, giá sầu riêng đã lên đến 250.000 đồng/kg. Là người theo dõi sát diễn biến giá cả nông sản, Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp cho biết, không chỉ có sầu riêng mà giá nhiều loại trái cây chủ lực của nhiều tỉnh như mít, xoài… cũng đang sôi động. Hiện mít Thái bình quân tăng thêm khoảng 10.000 đồng/kg so thời điểm trước Tết. Cụ thể, mít loại 1 dao động ở mức trên 35.000 đồng/kg. Với giá này, người trồng thu lợi nhuận trên 20.000 đồng/kg, mức giá rất ấn tượng.

Bong bóng mong manh, dễ vỡ

Theo truyền miệng của giới thương lái, nhiều khả năng mức giá này sẽ tăng thêm trong những ngày tới. Nguyên nhân được đưa ra là thị trường xuất khẩu đang “mở cửa” cần sản lượng lớn với giá cao. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu về kinh tế nông nghiệp, giá sầu riêng cũng như nhiều mặt hàng trái cây hiện nay chỉ như chiếc bong bóng mong manh, đầy bất trắc có thể vỡ tung bất cứ lúc nào.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên, nguyên nhân chủ yếu là giá này không thể hiện đúng với thị trường. Lấy mặt hàng sầu riêng làm thí dụ. Hiện tại, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của sầu riêng Việt Nam. Nói cách khác là sầu riêng Việt Nam chủ yếu bán vào Trung Quốc. Thế nhưng hiện giá sầu riêng tại chợ đầu mối của quốc gia này đang thấp hơn giá thu mua sầu riêng tại vườn vùng ĐBSCL.

“Theo số liệu cập nhật của Lãnh sự quán Thái Lan tại Quảng Châu, giá bán sỉ sầu riêng tại chợ đầu mối rau quả TP. Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) hiện giá sầu riêng của cả Thái Lan và Việt Nam đều ở mức dưới 200.000 đồng/kg. Trong khi đó, trong nước, thương lái thu gom với giá 220.000 - 250.000 đồng/kg thì xuất khẩu sao có lãi được?”- ông Tuyên nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, nhiều khả năng, đây chỉ là hiện tượng giá trong bối cảnh nhiều loại trái cây mới vào đầu vụ nghịch, sản lượng chưa nhiều. Trong khi đó, có thể do các doanh nghiệp nhập khẩu bên nước bạn cần tập trung đủ lượng hàng để cung ứng cho các hợp đồng nên họ nâng giá thu mua tạm thời. Sau đó sẽ dừng lại, hoặc hạ giá xuống…

Vì vậy, theo ông Tuyên, bên dưới dòng chảy giá cao, hiện nay đang tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn, mà nếu không có sự cảnh báo và can thiệp kịp thời, nhiều khả năng sẽ dẫn đến “cơn bão” lớn mà sức càn phá sẽ lan rộng từ giới kinh doanh đến tận các chủ vườn. Và khi đó, không chỉ có sầu riêng, mà còn có những mít, xoài… sẽ trượt theo vết xe thua lỗ.

Trung Quốc Triển khai chính sách đòi hỏi cao về chất lượng nông sản

Từ diễn đàn trực tuyến Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) diễn ra vào sáng ngày 10.2 do Bộ NNPTNT chủ trì cho thấy, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn của nông sản Việt. 

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), Trung Quốc yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu (tiểu ngạch).

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, với chính sách mới hiện hành, Trung Quốc là thị trường có tiêu chuẩn cao, khắt khe. 

"Vì vậy phải nhanh chóng chuyển đổi nhanh sang hình thức thương mại chính quy, tiến tới dừng hình thức xuất khẩu tiểu ngạch. Muốn vậy, bên cạnh việc tổ chức sản xuất chất lượng cao, cần cập nhật xu hướng, thị hiếu của thị trường để bán đúng thứ khách hàng cần. Có như thế mới tránh được nạn “trồng mù, bán mờ” để rồi nhà nông đối mặt với điệp khúc đầy thua thiệt “trồng-chặt”....”- ông Sơn nhấn mạnh. 


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn