MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá than tăng rất cao, sếp EVN nói "chúng tôi gồng mình đảm bảo đủ điện"

Cường Ngô LDO | 05/05/2023 12:00
Lãnh đạo EVN cho biết, dù giá than tăng rất cao, sản lượng sụt giảm, nhưng ngành điện vẫn cố gắng bảo đảm đủ nguồn cung than cho sản xuất điện, đạm để phục vụ phát triển kinh tế đất nước và sinh hoạt của người dân.

Sản lượng than sụt giảm 

Theo nguồn tin của Lao Động, trong báo cáo gửi Bộ Công Thương mới đây, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay, sản lượng than sạch sụt giảm chủ yếu do sản lượng than sạch của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV giảm so với cùng kỳ.

Trong đó, sản lượng tháng 3 chỉ bằng 84,81%, còn quý I/2023 bằng 92% so với cùng kỳ. Nguyên nhân khiến sản lượng than sụt giảm là bởi một số mỏ than gặp khó khăn trong hoạt động khai thác, khả năng huy động hạn chế.

Cụ thể, mỏ than Cao Sơn theo gia hạn giấy phép chỉ còn 723.000 tấn; dự kiến 3 tháng đầu năm sản lượng đạt 948.000 tấn/1,86 triệu tấn cùng kỳ, bằng 50,9%).

Mỏ than Cọc Sáu hiện vẫn đang thực hiện xử lý bùn đất từ mùa mưa năm 2022, không khai thác được do không có diện tích mở rộng, hệ số bóc đất cao, giá thành vượt giá bán; dự kiến 3 tháng đầu năm sản lượng đạt 143 nghìn tấn/352 nghìn tấn so với cùng kỳ, bằng 40,52%). 

TKV đã ký hợp đồng mua bán than cho 22 nhà máy nhiệt điện với tổng khối lượng khoảng 38,52 triệu tấn. Ảnh: TKV 

Theo báo cáo từ Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), năm 2023 dự kiến than thương phẩm sản xuất khoảng 57,88 triệu tấn, trong đó than thương phẩm sản xuất trong nước khoảng 44,68 triệu tấn, than nhập khẩu khoảng 13,2 triệu tấn.

Tổng than tiêu thụ khoảng 56,95 triệu tấn, trong đó cho các hộ điện vào khoảng 46,16 triệu tấn, hộ phân bón, hóa chất khoảng 2,5 triệu tấn, hộ xi măng khoảng 1,74 triệu tấn, các hộ khác khoảng 4,52 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 2,03 triệu tấn.

TKV cũng đã ký hợp đồng mua bán than cho 22 nhà máy nhiệt điện với tổng khối lượng khoảng 38,52 triệu tấn, 02 nhà máy đạm với tổng khối lượng khoảng 1,59 triệu tấn. Tổng Công ty Đông Bắc đã ký hợp đồng mua bán than năm 2023 với 10 nhà máy nhiệt điện với tổng khối lượng khoảng 7,64 triệu tấn.

Không để thiếu điện trong bất cứ tình huống nào

Trả lời câu hỏi của Báo Lao Động về việc có đủ than cho sản xuất điện trong năm 2023, ông Nguyễn Xuân Nam - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN cho biết, hiện Tổng Công ty Đông Bắc đang cố gắng để cung ứng than cho sản xuất điện, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

"Năm nay dự báo nắng nóng gay gắt và kéo dài hơn so với mọi năm. Dù vậy, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng đảm bảo đủ điện cho đất nước, không để thiếu. Đây là nỗ lực rất lớn ngành điện vì hiện nay, giá thành của than và khí tăng rất cao", ông Nam cho hay.

Ông Nam dẫn chứng, với nhiệt điện than, hiện giá than nhập khẩu bán cho EVN tăng rất cao, lên tới 2.400 đồng/kg, có thời điểm tăng đến gần 4.000 đồng/kg; than trộn nhập khẩu TKV bán cho EVN cũng dao động khoảng 4.000 đồng/kg.

"Giá đầu vào phục vụ cho sản xuất điện so với giá điện đầu ra chênh lệch rất lớn. Do vậy, EVN đã phải gồng mình để đảm bảo đủ điện cho đất nước", ông Nam nói.

Bổ sung cho vấn đề này, ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc EVN cho hay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN đã yêu cầu các nhà máy điện của tập đoàn đa dạng hoá các nguồn than cung cấp; không những là than trực tiếp của Tổng công ty than Đông Bắc, TKV, các nhà máy nhiệt điện than cần chủ động tìm kiếm nguồn than hợp pháp, để đủ than cho sản xuất điện. 

"Chúng tôi đã chỉ đạo rốt ráo các nhà máy, đảm bảo nguồn than trong mọi tình huống.

Nhiệt điện than, khí và thuỷ điện hiện nay là 3 nguồn quan trọng nhất để duy trì công suất nền, đảm bảo cho sự biến động của năng lượng tái tạo trong bất kỳ mọi tình huống.

Do vậy, công suất nhiệt điện than phải duy trì. Trách nhiệm của lãnh đạo các nhà máy nhiệt điện than và nhà máy nhiệt điện khí là phải đảm bảo nguồn cung cho sản xuất điện", ông Lâm cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn