MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá thép xây dựng đã tăng thêm 3 đợt trong 2 tuần qua và lập đỉnh mới: Vượt 19.000.000 đồng/tấn. Ảnh: TL

Giá thép lại lập "đỉnh" mới, do nguồn cung giảm hay do bị "làm giá"?

Vũ Long LDO | 16/03/2022 15:42

Chỉ trong hơn 2 tuần qua, giá thép đã được điều chỉnh tăng đến 3 lần với tổng mức tăng thêm từ 1,4-1,6 triệu đồng/tấn.

Giá thép liên tục được điều chỉnh và lập "đỉnh" mới

Theo nguồn tin từ Bộ Công Thương, gần một tháng nay, giá thép xây dựng trong nước liên tục được điều chỉnh tăng giá, khiến các các nhà thầu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn.

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 3.2022 đến nay, giá thép đã được điều chỉnh tăng đến 3 đợt với tổng mức tăng từ 1,4-1,6 triệu đồng/tấn.

Cụ thể, ngày 15.3.2022, hàng loạt công ty thép đã ra thông báo điều chỉnh tăng giá bán các sản phẩm thép. Trong đó, Công ty cổ phần Sản xuất thép Việt Đức thông báo sẽ tăng giá thêm 600.000/tấn thép, giá này chưa gồm thuế giá trị gia tăng.

Công ty TNHH Thép Hoà Phát Hưng Yên, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên... cũng tăng giá bán mỗi tấn thép thêm 600.000 đồng/tấn.

Khảo sát của PV cho thấy, chưa tính thuế giá trị gia tăng, giá thép cuộn Thái Nguyên mã CB240 có giá 19.530.000 đồng/tấn; thép thanh vằn CB300 D10 (đường kính 10mm) có giá 19.680.000 đồng/tấn triệu.

Tại thị trường miền Bắc, thép cuộn CB240 của Hoà Phát có giá 18.930.000 đồng/tấn; thép thanh vằn CB300 có giá 19.030.000 đồng/tấn. Giá 2 loại thép này bán ra tại miền Trung và miền Nam với mức giá lần lượt là 18.980.000 đồng và 19.080.000 đồng/tấn.

Cùng với giá thép, giá vật liệu xây dựng tăng cao đã ảnh hưởng đến các công trình đang thi công. Ảnh: TL

Cùng với giá thép, giá các loại nguyên vật liệu xây dựng khác như ximăng, cát, sỏi, bêtông, gạch lát... cũng đang tăng, làm “bội chi” các công trình xây dựng so với dự toán ban đầu khá lớn.

Ngày 14.3.2022, Chi nhánh công ty CP Kinh doanh ximăng miền Bắc tại Yên Bái đã thông báo tăng giá ximăng thêm 50.000 đồng/tấn. Trước đó, một số doanh nghiệp cũng đã thông báo: Từ ngày 20.3.2022, giá ximăng bao, rời sẽ tăng thêm 100.000 đồng/tấn.

Với mức tăng “phi mã” của sắt thép và các loại nguyên vật liệu nhiều chủ công trình xây dựng lo lắng công trình xây xong có nguy cơ chỉ hòa vốn, thậm chí lỗ.

“Từ cuối năm 2021 đến nay thép đã có 6 lần tăng giá, giá thép cây hiện nay đã đắt hơn thời điểm cuối năm 2021 tới 2 triệu đồng/tấn.

Đặc biệt, từ đầu tháng 3 đến nay, đại lý đã báo cho tôi 3 lần điều chỉnh giá: Ngày 5.3 tăng giá 4.00.000 đồng/tấn, sau đó ngày 9.3.2022 lại tăng tiếp 600.000 đồng/tấn và ngày hôm qua (15.3.2022) giá thép lại tăng thêm 600.000 đồng/tấn.

Giá thép liên tục tăng đã khiến chi phí xây dựng vượt dự toán ban đầu rất nhiều” – ông  Đào Quang Hưng (nhà 19 ngõ 86 Lê Lợi – TP.Vinh, Nghệ An) cho hay.

Ông Trần Đức Chính - Giám đốc công ty TNHH Thương mại Vận tải Chính Hưng cũng chia sẻ, từ cuối năm 2021 đến nay, giá thép liên tục “phi mã” và gần đây thép đã tăng tới gần 2.000 đồng/kg, ảnh hưởng rất lớn tới các công trình xây dựng, trong đó có các công trình xây dựng dân dụng.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cũng bày tỏ lo ngại: Nếu các bộ, ngành không có giải pháp gỡ vướng để kìm đà tăng của giá thép, nhiều công trình sẽ buộc phải dừng thi công, chậm tiến độ, bởi thép xây dựng chiếm một tỉ lệ lớn trong cấu thành giá các công trình xây dựng.

Tìm lời giải cho lý do sắt, thép, vật liệu xây dựng liên tục “lập đỉnh”

Trong báo cập nhật ngành thép quý 1.2022, Công ty Chứng khoán Vietcombank dự báo, giá bán thép còn tiếp tục tăng do giá các mặt hàng năng lượng như dầu, khí, than đang tăng rất nhanh và gần như quay lại mức đỉnh cũ lập ra trong năm 2021.

Lý giải nguyên nhân giá thép liên tục tăng cao từ đầu năm 2022 đến nay, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, do giá nguyên liệu từ quặng sắt, than coke, thép phế liệu… tăng mạnh từ sau Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công làm nhu cầu thép xây dựng trên thị trường tăng đột biến.

Trao đổi với PV, nhiều đại lý cung cấp vật liệu xây dựng cũng lý giải: Giá vật liệu xây dựng tăng cao là do chi phí đầu vào như than, dầu, xăng, chi phí logistics… tăng cao khiến giá thành sản phẩm tăng mạnh.

Điều đáng nói là, Nga hiện là nước xuất khẩu thép lớn trên thế giới, đặc biệt tại thị trường Châu Âu (EU), thị phần thép xuất khẩu vào EU của Nga chiếm tới 15%. Ngoài ra, Ukraina cũng là quốc gia xuất khẩu thép vào EU với số lượng lớn. Xung đột giữa Nga và Ukraina khiến lượng thép xuất khẩu từ 2 cuốc gia này giảm sút cũng là nguyên nhân khiến giá thép trên thị trường thế giới tăng. Giá thép của Việt Nam chịu tác động của giá thép thế giới, nên việc tăng giá là không tránh khỏi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn