MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá thu mua cà phê giữ ở mức cao, nông dân an lòng

BẢO TRUNG LDO | 28/08/2023 15:03

Đắk Lắk - Giá cà phê thu mua tại vườn đang "neo" ở mức khá cao, dự báo những tháng tới sẽ không có biến động nhiều, sẽ giữ ở mức ổn định. Trước tình hình trên, không ít bà con nông dân tại Đắk Lắk - thủ phủ cà phê của cả nước vui mừng, yên tâm canh tác tốt, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Nông dân an lòng bám trụ với cà phê

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, tính đến đầu năm 2023, diện tích đất trồng cà phê toàn tỉnh là hơn 212.912ha (chiếm đến 32,37% đất sản xuất nông nghiệp). Trong đó, tính riêng sản lượng cà phê lên đến hơn 550.000 tấn (tức chiếm 1/3 tổng sản lượng cả nước).

Hiện, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng và toàn vùng Tây Nguyên nói chung đang dao động ở mức từ 65.000 đến 68.000 đồng/kg, cao nhất trong 3 năm qua. Đây là tin vui đối với người nông dân đang bám trụ, khai thác nguồn lợi từ cây cà phê.

Bà Nguyễn Thị Hoa (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) - chia sẻ: "Với diện tích 5ha cà phê của gia đình, nếu vụ mùa sắp tới gieo trồng thuận lợi, khí hậu tốt và giá thu mua neo ở mức như hiện tại thì sẽ có lãi tốt. Thực tế, trồng cà phê bao nhiêu năm qua, gia đình vẫn thu lợi nhuận ổn định.

Tôi thấy không nhất thiết phải theo trào lưu trồng những cây ăn quả dài ngày như sầu riêng, mác ca... Nếu ai đã có kỹ năng, kiến thức canh tác tốt cà phê thì không nên chuyển đổi. Người nông dân cần kiên trì, nhẫn nại bám trụ với cây cà phê vì đây là loại nông sản chủ lực của địa phương, rất khó để thay thế trong tương lai gần".

Giá cà phê “neo” ở mức ổn định khiến người nông dân vui mừng. Ảnh: Đức Huy

Hay như ở huyện Cư M'Gar, toàn địa bàn có 9.000 hộ tham gia phát triển cà phê bền vững với 15.077ha, sản lượng 50.000 tấn cà phê nhân (chiếm đến 10% sản lượng chung của toàn tỉnh). Từ chương trình phát triển cà phê bền vững của UBND huyện triển khai, người nông dân được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, canh tác làm cho năng suất, sản lượng tăng, chất lượng nâng cao giúp tăng cường sự canh tranh sản phẩm.

Kết quả, địa bàn trên có tỉ lệ người dân chuyển đổi cây trồng khá thấp, đa số các nông hộ đều cần mẫn, bám trụ khai thác nguồn lợi kinh tế từ cây cà phê.

Đảm bảo bao tiêu sản phẩm

Ông Lê Đức Huy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đưa ra nhận định: Hiện nay, giá cà phê nhân đang neo ở mức từ 65.000 đến 68.000 đồng/kg khiến người nông dân trồng cà phê vui mừng vì đây là mức khá cao, nếu tính trong 3 năm trở lại đây. Vụ mùa năm nay đã kết thúc, đến tháng 10.2023, người nông dân sẽ bắt đầu canh tác đợt mới nếu giá cà phê vẫn giữ nguyên hoặc tăng thì dự báo bà con sẽ có lãi tốt. Tuy nhiên, cà phê của nước ta vẫn phải chịu biến động giá từ thị trường quốc tế nên bà con cần phải tập trung canh tác tốt, đảm bảo chất lượng sản phẩm để cung cấp cho doanh nghiệp thu mua.

Có một thuận lợi cần phải nhắc đến là các ngân hàng đã hạ mức lãi suất, người nông dân và doanh nghiệp có thể dễ vay vốn để kinh doanh, đầu tư cây trồng. Ngoài ra, trước tình hình sầu riêng đang được giá tốt, nhiều người đã đốn hạ diện tích trồng cà phê bấy lâu nay để chuyển sang trồng loại nông sản này. Đây là việc hết sức nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sản lượng cà phê chung của địa phương. Ngoài ra, thổ nhưỡng khí hậu không phù hợp có thể gây ảnh hưởng tới chất lượng nông sản.

Vụ mùa 2023-2024 dự báo sản lượng cà phê Đắk Lắk sẽ vượt hơn nửa triệu tấn. Ảnh: Bảo Trung

Hiện, Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak, thuộc Tỉnh ủy Đắk Lắk) đang là doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê lớn nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đại diện đơn vị thông báo sẽ tiếp tục đảm bảo thu mua cà phê cho các nông hộ trên địa bàn với giá hợp lý, nếu sản phẩm đạt chất lượng tốt. Sản lượng cà phê đơn vị trên dự kiến thu mua cho bà con nông dân tại địa phương lên đến hơn 150.000 tấn. Ngoài ra, Công ty còn cử chuyên gia hỗ trợ người dân giảm bớt chi phí đầu tư, tăng năng suất và sản phẩm có chất lượng cao và truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn