MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người chăn nuôi hết sức khó khăn. Ảnh: CP

Giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao, nông dân khó khăn thêm chồng chất

Vũ Long LDO | 04/07/2022 14:02

Bước vào đầu tháng 7.2022, hàng loạt doanh nghiệp lại tăng giá thức ăn chăn nuôi khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn, chăn nuôi thua lỗ.

Thức ăn chăn nuôi vào đợt tăng giá mới

Theo thông báo vừa được công bố, từ ngày 6.7.2022, Công ty TNHH Emivest Feedmill sẽ tăng giá thức ăn chăn nuôi thêm 400 đồng/kg đối với thức ăn đậm đặc và thức ăn cho lợn (heo) con; tăng 300 đồng/kg đối với tất cả các sản phẩm còn lại.

Công ty GreenFeed cũng đã thông báo tăng 400 đồng/kg đối với thức ăn chăn nuôi cho vịt đẻ 3154 và các mã sản phẩm cám lợn thịt 9464-H464-9484-H484; nhóm thức ăn đậm đặc cho lợn và gia cầm cũng tăng 400 đồng/kg. Doanh nghiệp cũng tăng giá 300 đồng/kg đối với tất cả các sản phẩm còn lại.

Trước đó, từ 1.7.2022, Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai cũng đã tăng giá 400 đồng đối với dòng sản phẩm dành cho lợn con, tăng 300 đồng/kg đối với các sản  phẩm thức ăn chăn nuôi còn lại.

Công ty Thức ăn chăn nuôi Kyodo Sojitz và Công ty TNHH CJ Vina Agri cũng tăng giá thức ăn chăn nuôi từ ngày 1.7 thêm từ 300-400 đồng/kg (tùy loại).

Trao đổi với PV về việc liên tục điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi, các doanh nghiệp đều cho biết do tình hình giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào để sản xuất liên tục tăng trong thời gian qua, nếu không tăng giá sản phẩm bán ra, doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ.

Theo tính toán, với đợt tăng giá mới nhất trong vài ngày tới, đây là lần điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi thứ 6 trong năm 2022 và là lần thứ 17 kể từ năm 2020 đến nay.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, do mật độ tăng giá thức ăn chăn nuôi quá dày đặc, tính bình quân từ đầu năm 2022 đến nay, trung bình mỗi tháng có một lần điều chỉnh tăng giá (tháng 1 là tháng chuẩn bị Tết Nguyên đán các doanh nghiệp không tăng giá nhưng tháng 5.2022 các công ty tăng giá tới 2 lần).

Người chăn nuôi đang thua lỗ, khó khăn chồng chất

Chia sẻ với PV Lao Động, ông Hà Văn Tuấn – chăn nuôi lợn tại Trực Ninh, Nam Định không khỏi lo lắng trước tình trạng giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng nhưng giá lợn hơi không thể nhích nổi lên mức 60.000 đồng/kg.

“Giá lợn hơi phải trên 60.000 đồng/kg thì người nuôi mới hòa vốn, còn để có chút lãi, giá lợn phải đạt 65.000 đồng/kg trở lên. Thế nhưng, giá thành lợn hơi thấp hơn giá bán đã đẩy người nông dân vào tình thế hết sức khó khăn” – ông Hà Văn Tuấn nói.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thành (Công ty Thành Đô), nghịch lý là dù lỗ vốn nhưng nông dân vẫn phải duy trì đàn để khi giá lên sẽ có sản phẩm để “gỡ vốn”.

“Nếu vì lỗ mà không nuôi, đến khi giá lợn tăng trở lại sẽ không có lợn để bán. Làm nghề này luôn phải xác định có lúc lỗ, lúc lãi, nhưng hơn 1 năm trở lại đây nông người chăn nuôi luôn trong tình trạng thua lỗ” – ông Đường Minh Thành (xã Văn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) buồn rầu nói.

 Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giải pháp để kiểm soát, đồng thời giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, được Bộ NNPTNT đưa ra trong thời gian tới là, tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh để tình trạng tăng giá đột biến gây thiệt hại cho người sản xuất.

Đồng thời, rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, thức ăn chăn nuôi; trên cơ sở đó xây dựng, phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi; nghiên cứu hướng dẫn áp dụng các loại nguyên liệu thay thế, phụ phẩm trong nông nghiệp dùng làm thức ăn chăn nuôi nhằm đa dạng nguồn nguyên liệu và hạn chế phụ thuộc thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn