MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá các loại nông sản, rau xanh giảm kéo chỉ số giá tiêu dùng tháng 3.2021 giảm. Ảnh: Mộc Miên

Giá thực phẩm giảm mạnh kéo chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,27%

Vũ Long LDO | 29/03/2021 13:03

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3.2021 giảm 0,27% so với tháng trước, chủ yếu do giá các loại thực phẩm giảm mạnh bởi nguồn cung dồi dào.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3.2021 giảm 0,27% so với tháng trước chủ yếu nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm theo quy luật hàng năm trong khi nguồn cung dồi dào. "Cầu" giảm trong khi "cung tăng" đã khiến giá các loại thực phẩm giảm mạnh trong tháng 3 vừa qua, đặc biệt là mặt hàng rau, củ, quả; thịt lợn, thịt gia cầm...

Tuy nhiên, so với tháng 12.2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,31%.

Theo Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3.2021 chỉ tăng 1,16%, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay (tốc độ tăng CPI tháng 3 so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2021 lần lượt là: Tăng 1,69%; tăng 4,65%; tăng 2,66%; tăng 2,7%; tăng 4,87%; tăng 1,16%);

Phân tích của Vụ Thống kê giá cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I/2021 tăng 0,29%, là mức tăng thấp nhất của quý I trong 20 năm qua; lạm phát cơ bản quý I/2021 tăng 0,67%.

Trong mức giảm 0,27% của CPI tháng 3.2021 so với tháng trước, khu vực thành thị giảm 0,2%; khu vực nông thôn giảm 0,34%. Khu vực nông thôn có tốc độ giảm CPI nhiều hơn khu vực thành thị chủ yếu do mức giảm của chỉ số giá nhóm thực phẩm.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tháng 3.2021, có 7 nhóm giảm giá so với tháng trước, 4 nhóm tăng giá. Trong 7 nhóm hàng giảm giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức giảm nhiều nhất (giảm 1,46%) so với tháng trước do giá thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, rau tươi giảm mạnh nhờ nguồn cung dồi dào.

Do nhu cầu tiêu dùng về hàng hóa và dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán giảm nên giá nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,37%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,2%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,13%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,05%.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu du lịch, lễ hội giảm nên nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,03%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,28%.

Trong 4 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 2,29%, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn