MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá thuê container tăng bất thường: Lợi nhuận của DN bị "bào mòn" thế nào?

Cường Ngô LDO | 11/08/2021 15:56

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19, Bộ Công Thương đang đề xuất giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi cho hàng hóa ở cảng biển và các trung tâm logistics cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chi phí vận tải vẫn đang tăng cao và “bào mòn” hết lợi nhuận của doanh nghiệp.

Lợi nhuận bị "bào mòn" vì giá thuê container quá "chát"

Trao đổi với Lao Động, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) - cho biết, trước đây, mỗi container hàng hóa của Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước có giá vận chuyển chỉ từ 70-100 triệu đồng, thì đến hiện tại, con số này đã tăng lên mức 260-330 triệu đồng.

Chưa dừng lại ở đó, mặc dù giá cước vận chuyển tăng nhưng các hãng tàu lại thường xuyên ra thông báo thiếu container rỗng, hàng hóa buộc phải dời ngày xuất bến khiến chất lượng các lô hàng trái cây tươi của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Giá thuê container tăng cao làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa, nông sản Việt Nam. Ảnh: MOIT

Theo ông Lĩnh, việc giá container “cao ngất ngưởng” đã “bào mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp. Ông lấy ví dụ, trước đây, công ty ông xuất khẩu một container 100.000USD, trong đó chỉ mất từ 1.500 - 2.500USD chi phí vận tải, còn bây giờ chi phí vận tải lên tới 8.000USD, tăng gấp 4 lần.

“Nếu như trước đây, chi phí vận tải chỉ chiếm 2,5% trong giá xuất của mỗi DN, thì bây giờ tăng lên 8%. Trong khi, DN không thể tăng giá hàng hoá vì đây đều là những hợp đồng đã ký từ trước.

Theo ông Lĩnh, chi phí vận tải tăng cao như vậy đã “bào mòn” hết lợi nhuận của DN. Cũng do chi phí vận tải tăng cao, cho nên tất cả chi phí đầu vào như bao bì, nhân công… đều tăng từ 20-30% - trong khi sản xuất trong điều kiện "3 tại chỗ" như hiện nay lại khó trăm bề” - ông Lĩnh nói.

Ở thời điểm hiện tại, chi phí vận chuyển từ cảng đến nơi nhập khẩu đã bằng hoặc cao hơn so với giá trị đơn hàng, việc này chỉ có đơn vị vận chuyển có lợi, còn DN xuất khẩu là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng phản ánh, cước vận tải thời gian gần đây tăng vô tội vạ, 500- 1000 USD/lần điều chỉnh, thậm chí 2.000- 3.000 USD/lần làm DN không xoay sở kịp.

Đại diện một DN xuất khẩu cũng khá bức xúc khi phản ánh, do không đáp ứng về volume (trọng lượng hàng hoá), DN không thể liên hệ và ký hợp đồng trực tiếp với hãng tàu, buộc phải ký hợp đồng qua các forwarder với mức phí tới 15.000-18.000 USD/container vận chuyển sang Mỹ. Thậm chí khi chấp nhận vận chuyển với giá cao, DN còn không ký được hợp đồng.

Đề nghị giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi hàng hóa cho doanh nghiệp

Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, tình trạng giá cước nhảy múa thuộc trách nhiệm của hãng, và hãng cần có chính sách quản lý, kiểm soát chặt chẽ các forwarder, cần có cam kết giữa hãng tàu với forwarder để không gây ảnh hưởng đến thị trường và DN.

“Forwarder có vai trò rất lớn nhất là với DN xuất khẩu nhỏ và vừa. Việc giá cả đi qua các forwarder có thể tăng nhưng tăng ở mức độ hợp lý, không thể tát nước theo mưa, tạo thêm gánh nặng cho DN”, ông Trần Thanh Hải nói.

Trước tình trạng này, để tháo gỡ một phần khó khăn, Bộ Công Thương đã đề nghị giảm phí lưu container, kho bãi ở cảng biển và các trung tâm logistics cho các DN bị tác động bởi COVID-19.

Đề nghị này được Bộ Công Thương gửi các Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, logistics, các đơn vị quản lý, khai thác cảng biển và DN vận tải cảng biển, ngày 10.8.

Theo Bộ Công Thương, việc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã khiến một số DN phải tạm thời cắt giảm quy mô sản xuất, dẫn đến ùn ứ container nhập khẩu, thời gian lưu kho, lưu bãi tăng lên và làm tăng chi phí của DN.

Vì thế, việc giảm phí lưu container, lưu kho bãi hàng hoá tại cảng biển, các trung tâm logistics... sẽ giúp DN bớt gánh nặng chi phí.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị các cảng nhanh chóng giải phóng hàng hoá, tăng năng lực khai thác của bãi cảng và phối hợp với các bên điều tiết lượng hàng nhập về cảng, tạo thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn