MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá vàng liên tục lao dốc: Độc quyền vàng SJC có còn phù hợp?

Đức Mạnh LDO | 19/07/2022 12:57
Sau 10 năm giữ thế độc quyền, giá vàng miếng SJC đã lộ rõ bất cập và gây thiệt hại đáng kể tới người nắm giữ. Theo các chuyên gia, đã đến lúc các cơ quan liên quan, nhất là Ngân hàng Nhà nước cần xem xét một cách nghiêm túc việc sửa đổi Nghị định 24.

Tác động của vàng hoá tới nền kinh tế

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) - bà Nguyễn Thị Hồng - cho biết, trước đây, thị trường vàng từng gây ra bất ổn đối với nền kinh tế vĩ mô nên Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP với chủ trương chống vàng hóa (có quá nhiều vàng miếng trong nền kinh tế). Từ khi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, các chính sách quản lý nhà nước được thực hiện hiệu quả. Nhiều năm nay, thị trường tiền tệ ngoại hối ổn định, giúp Việt Nam được nâng hạng theo các đánh giá quốc tế.

Cụ thể, theo Nghị định 24, NHNN là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Cơ quan này đã chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng độc quyền của quốc gia từ 10 năm nay.

Vậy, vàng hoá sẽ tác động đến nền kinh tế như nào? Theo lời một chuyên gia, khi vàng hoá, cứ có cơn sốt là nền kinh tế lại nhập khẩu thêm vàng để can thiệp và bình ổn giá. Doanh nghiệp vì thế mang ngoại tệ ra nhập vàng, trong khi lẽ ra nên dùng để nhập nguyên liệu, hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng. Cho nên, nếu vàng hóa nền kinh tế càng cao thì nguy cơ thiếu hụt ngoại tệ càng lớn và gây sức ép phá giá tiền Việt Nam.

Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào về vàng có thể làm suy giảm vai trò tiền tệ của VNĐ. Tuy nhiên, vàng hóa khả năng sẽ tạo ra trào lưu giữ vàng hơn là giữ tiền, đặc biệt là khi lạm phát có xu hướng nóng lên. Lượng tiết kiệm có thể sử dụng được (nguồn cung tín dụng) của nền kinh tế giảm đi. Trong cung cầu vốn tín dụng trên thị trường tiền tệ, tình trạng vàng hóa nền kinh tế gia tăng sẽ dẫn đến lãi suất thị trường tiền tệ gia tăng.

Theo chuyên gia, việc chênh lệch bất thường giữa giá vàng SJC với thế giới có thể tạo cơ hội cho những “tay to” làm lũng đoạn thị trường để trục lợi. Thậm chí còn là nguồn cơn của vấn nạn nhập lậu vàng qua biên giới. Ảnh: LĐO 

Cân nhắc phá bỏ thế độc quyền của vàng miếng SJC

Sau 10 năm đi vào hiệu lực, Nghị định 24 đã lộ rõ những bất cập. Với vị trí độc quyền của mình, giá vàng SJC đã liên tục nhảy múa, gây thiệt hại đáng kể tới người nắm giữ. Nguồn cung thì giới hạn, trong khi nhu cầu lại luôn cao.

Tiêu biểu, vào ngày 8.3.2022, giá vàng SJC chạm mốc cao kỷ lục 74,4 triệu đồng/lượng, đắt hơn gần 20 triệu đồng so với giá vàng thế giới quy đổi. Hay trong chỉ trong phiên 18.7.2022, giá vàng SJC đã giảm sốc 5,35 triệu đồng/lượng so với hôm trước.

Theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, mục tiêu chống đô la hóa, vàng hóa đã đạt được. Riêng mục tiêu phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng thì chưa. Bằng chứng là giá vàng SJC quá đắt đỏ so với thế giới.

Ông nhấn mạnh: "Tôi cho rằng đã đến lúc các cơ quan liên quan, nhất là NHNN cần xem xét một cách nghiêm túc việc sửa đổi Nghị định 24, không nên để tình trạng độc quyền sản xuất một thương hiệu vàng quốc gia SJC như hiện tại nữa".

Bổ sung thêm, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - nói: “Trước đây, khi Nghị định 24 ra đời, dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ khoảng 20 tỉ USD, nhưng hiện nay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt hơn 100 tỉ USD.

Vì thế, việc cho phép nhập khẩu một lượng vàng nguyên liệu có kiểm soát (khoảng 10 tấn, tức khoảng 500 triệu USD) sẽ tác động không đáng kể đến thị trường ngoại tệ và tỉ giá. Đó là chưa kể sau khi nhập vàng nguyên liệu về, các công ty có thể chế tác rồi xuất khẩu mang ngoại tệ về cho đất nước".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn