MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá vàng liên tục phá đỉnh, doanh nghiệp vàng bạc đá quý làm ăn ra sao?

Lục Giang LDO | 09/03/2024 06:53

Trong khoảng một năm qua, giá vàng biến động mạnh và liên tục phá đỉnh, chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới duy trì ở mức cao. Các "ông lớn" kinh doanh vàng cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4.2023 của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) ghi nhận doanh thu thuần quý 4 của doanh nghiệp đạt 9.760 tỉ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ 2022. Còn lợi nhuận sau thuế đạt 632 tỉ đồng, tăng 34,4%.

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu của PNJ đạt 33.137 tỉ đồng, giảm nhẹ 2,2% so với cùng kỳ 2022; lợi nhuận sau thuế cả năm PNJ vẫn đạt 1.971 tỉ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo giải trình của PNJ, doanh thu và lợi nhuận đạt mức cao là nhờ doanh nghiệp chiếm lĩnh thêm thị phần, gia tăng khách hàng mới, mở rộng mạng lưới, đưa ra thêm sản phẩm và tiếp cận khách hàng bằng nhiều phương thức mới.

Trong năm 2023, chi phí bán hàng của PNJ ghi nhận gần 2.836 tỉ đồng, không nhiều biến động so với năm 2022. Tương tự, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 693 tỉ đồng, tăng nhẹ so với con số 674 tỉ đồng năm 2022.

Trong khi đó, chi phí lãi vay trong năm qua tăng đáng kể, lên đến 118 tỉ đồng, tăng 25% so với con số 94 tỉ đồng năm 2022.

Tại ngày 31.12.2023, tiền và các khoản tương đương tiền của PNJ đạt 896 tỉ đồng, trong đó, doanh nghiệp có 559 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng và 241 tỉ tiền mặt; PNJ cũng có khoản vay ngắn hạn từ các ngân hàng thương mại 2.380 tỉ đồng, hầu hết sẽ đáo hạn trong năm 2024.

PNJ có các khoản vay ngắn hạn từ các ngân hàng thương mại 2.380 tỉ đồng. Ảnh chụp màn hình.

Trái ngược với PNJ, “ông lớn” khác trên thị trường vàng là Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI công bố kết quả kinh doanh kém khả quan trong 6 tháng đầu năm 2023.

Theo báo cáo tài chính Bán niên, kỳ báo cáo từ 1.1.2023 đến 30.06.2023 của DOJI, doanh nghiệp này ghi nhận mức lãi khá khiêm tốn, chỉ đạt 154 tỉ đồng, giảm mạnh so với con số 1.016 tỉ đồng cùng kỳ năm trước. Thu nhập trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt 2,4%.

Trước đó cả năm 2022, DOJI báo lãi đột biến với 1.016 tỉ đồng, gấp 4,3 lần so với năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 17,4%. Còn hai năm 2019 và 2020, lợi nhuận sau thuế DOJI lần lượt chỉ 151 tỉ đồng và 188 tỉ đồng.

Tại ngày 30.6.2023, vốn chủ sở hữu của DOJI đạt 6.440 tỉ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,05, trong khi cuối năm 2022 là 1,95.

Đồ hoạ: Lục Giang

Một điểm sáng trong bức tranh tài chính của DOJI là tính đến ngày 30.6.2023, dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đã giảm từ 0,1 lần (hồi đầu năm) xuống còn 0,02 lần, tương ứng giá trị còn lại là 129 tỉ đồng.

Theo công bố thông tin định kỳ về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2022, DOJI cho biết, trong năm qua đã thanh toán 110 tỉ đồng tiền gốc trái phiếu vào ngày 1.4.2022. Đây là lô trái phiếu có thời hạn 36 tháng được phát hành vào ngày 31.7.2020 với tổng mệnh giá là 750 tỉ đồng.

Vào các ngày từ 16-26.12.2022, DOJI đã hoàn thành tất toán 2.100 tỉ đồng của 4 lô trái phiếu: DVPCH2126001, DVPCH2126002, DVPCH2126003 và DVPCH2126004.

Đây hầu hết là các lô trái phiếu được DOJI phát hành với mục đích dùng số tiền thu được để hợp tác kinh doanh, đầu tư với các công ty thành viên và nhằm mở rộng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn