MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nông dân trồng lúa tính từ hòa đến lỗ

Văn Sỹ LDO | 29/03/2023 09:03

Sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân, nông dân ở miền Tây bắt đầu xuống giống vụ hè thu (vụ 2). Khởi đầu cho mùa vụ mới, nông dân khá lo lắng, bởi giá vật tư nông nghiệp tăng trên 15% so với cuối năm 2022.

Với mức giá hiện tại, qua sơ tính, nông dân khó có lãi từ vụ lúa, tuy nhiên, họ vẫn không thể bỏ đất trống.

Từ hòa đến lỗ

Trao đổi với Lao Động, nông dân Nguyễn Văn Hùng (thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho biết, ngay sau khi thu hoạch lúa đông xuân, gia đình ông đốt rạ và bơm nước để xới đất, chuẩn bị xuống giống vụ hè thu.

Theo ông Hùng, vụ lúa đông xuân vừa qua, nhờ được "được mùa, được giá" nên 20 công ruộng nhà ông cũng mang về khoảng lời 60 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Hùng xới đất để chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè thu. Ảnh: Văn Sỹ

Tuy nhiên, vào vụ sản xuất mới, người nông dân này khá lo lắng trước tình trạng giá vật tư nông nghiệp tăng cao. "Trước khi làm vụ mới, tôi cũng như nhiều nông dân hỏi giá vật tư thì thấy, phân bón, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu bệnh, loại nào cũng tăng từ 10 đến 15%.

Ví dụ, một bao phân urê giá hơn 1 triệu đồng, phân hỗn hợp cũng gần 1,3 triệu đồng/bao, 1 chai thuốc diệt sâu rầy cũng tăng trên 30 nghìn đồng so với giá năm 2022. Chi phí sơ tính vụ hè thu này khoảng 3 triệu đồng, trong khi năng suất chỉ 6 đến 6,5 tấn/1ha. Vậy nên, nếu giá lúa dưới 6.000 đồng/kg coi như huề vốn" - ông Hùng chia sẻ.

 Nông dân xã Vị Đông, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) tỉa dặm lúa hè thu. Ảnh: Văn Sỹ

Cách cánh đồng ông Hùng không xa, một số nông dân gieo sạ sớm ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh và bà con bắt đầu tỉa dặm. Cũng như nhiều nông dân ở miền Tây, các chủ ruộng nơi đây bày tỏ trăn trở cho vụ hè thu.

"Sau khi tìm hiểu giá phân bón, thuốc trừ sâu bệnh thấy khá cao, trong khi vụ hè thu lại thường bị ảnh hưởng, thiệt hại do thời tiết bất lợi nên cũng định bỏ vụ. Tuy nhiên, thấy giá lúa hiện tại khá cao nên cũng có niềm tin đến lúc thu hoạch mà vẫn giữ được 6.500 đồng/kg lúa tươi thì nông dân cũng có lời được khoảng 1 triệu đồng/1 công lúa.

 Nông dân xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) cải tạo đất chuẩn bị gieo sạ lúa hè thu. Ảnh: Văn Sỹ

Nói là tiền lời, chứ thật ra đó là tiền công của 2 vợ chồng bỏ ra hơn 3 tháng rưỡi. Tính kỹ ra, tiền công này còn thấp hơn lương của công nhân, tuy nhiên, mình là nông dân thì bám lấy ruộng mà làm thôi. Trúng mùa trúng giá thì mừng, còn gặp thất bát thì cũng chịu" - ông Trần Văn Tám bày tỏ.

Bỏ vụ vì sợ thua lỗ

Theo ghi nhận của Lao Động, tại một số cánh đồng ở xã Mỹ Quới, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm; xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân... có nhiều nông dân cho hay, lo sợ thua lỗ nên bà con bỏ vụ hè thu này. 

 Đồng lúa hè thu xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng). Ảnh: Văn Sỹ

"Cánh đồng sau nhà tôi trũng thấp nên gieo sạ vụ này thường gặp mưa bão, năng suất đạt 500 đến 600 kg/1 công. Trong khi, với giá phân bón, thuốc trừ sâu bệnh hiện tại cùng với các chi phí cải tạo đất... gần 3 triệu đồng/1 công. Vậy nên nếu có làm thì cũng huề vốn hoặc có thể bị thua lỗ nếu gặp thời tiết bất lợi. Vậy nên tôi và một số nông dân trong xóm bỏ vụ hè thu này" - ông Phan Văn Nhung, ngụ xã Mỹ Quới, nói.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, diện tích xuống giống vụ hè thu của tỉnh nhiều năm gần đây chỉ đạt trên 75% so với vụ đông xuân.

"Nguyên nhân là do một số khu vực trũng thấp, hoặc gò cao, không đảm bảo hiệu quả sản xuất, khó có lời nên nông dân hạn chế gieo trồng. Đặc biệt, khoảng 3 năm qua, chi phí đầu tư cho mùa vụ tăng cao nên nông dân càng cân nhắc trong việc xuống giống đối với vụ hè thu và vụ thu đông" - ông Võ Văn Bé, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn