MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau nhiều năm giảm, lượng khách đi xe buýt tại TPHCM tăng trở lại trong năm 2017. Ảnh: MINH QUÂN

Giá vé xe buýt tại TPHCM dự kiến tăng: Liệu có hợp lý khi hệ thống buýt còn bất cập?

MINH QUÂN LDO | 17/04/2018 07:00
Sau những thành quả có được từ hệ thống xe buýt của TPHCM với lượng khách đạt mức 306,59 triệu lượt năm 2017, giá vé xe buýt phổ thông tại TPHCM dự kiến sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lượt. Liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để nâng giá khi thực tế hệ thống xe buýt vẫn còn nhiều điều bất cập. 

Tăng giá vé, chất lượng thế nào?

Mức vé xe buýt hiện nay đã được TPHCM ban hành cách đây từ năm 2013. Khi đó, đối với các tuyến có trợ giá cự ly dưới 18km tăng từ 4.000 đồng lên 5.000 đồng/lượt hành khách. Còn các tuyến có cự ly hơn 18km giá vé tăng từ 5.000 đồng lên 6.000 đồng/lượt hành khách.

Đến thời điểm này, Sở GTVT TPHCM mới tiếp tục đề xuất tăng thêm 1.000 đồng/lượt. Theo ông Trần Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM, việc tăng giá vé xe buýt nhằm tạo thêm nguồn thu để đầu tư mới phương tiện, cải tạo và hiện đại hóa hạ tầng bến bãi cũng như hệ thống nhà chờ xe buýt. Đồng thời góp phần giảm trợ giá.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM, sau khi bị sụt giảm nhiều năm, lượng hành khách đi xe buýt TPHCM trong năm 2017 đã tăng trở lại. Cụ thể, trong năm 2017, khối lượng người đi xe buýt đạt 306,59 triệu lượt hành khách, đạt 101% so với kế hoạch, tăng 3% so với năm 2016.

Theo tính toán, nếu giá vé xe buýt tăng thêm 1.000đồng/lượt so với hiện nay sẽ giảm tiền trợ giá cho UBND TP gần 200 tỉ đồng/năm. Ngân sách TP trợ giá cho xe buýt tăng cao trong vòng 2 năm trở lại đây. Kinh phí ngân sách TP trợ giá xe buýt năm 2017 trên 1.200 tỉ đồng, tăng khoảng 231 tỉ đồng so với năm 2016. Nguyên nhân tăng mức trợ giá là do đầu tư thay thế xe buýt mới.

Theo tìm hiểu, trong đề án thay mới 1.680 xe mới, hiện TPHCM đã thay được khoảng hơn 1.100 xe buýt cũ, đã xuống cấp, trong đó có cả xe buýt thường và xe buýt chạy bằng khí CNG. Những xe buýt cũ, rệu rã còn lại trong đề án sẽ tiếp tục thay mới trong năm 2018. Tuy nhiên, một yếu tố không kém phần quyết định để thuyết phục người dân TP chấp nhận việc tăng giá vé xe buýt là thái độ của nhân viên phục vụ.

Đừng để người dân quay lưng với xe buýt

Ông Trần Chí Trung cho biết, suốt thời gian qua, đơn vị này đã tích cực thực hiện các chiến dịch thay xe buýt mới, phân lại luồng tuyến xe... nhằm phục vụ tốt cho người dân đi lại. Công tác đào tạo tài xế, nhân viên được thực hiện thường xuyên, nỗ lực kéo người dân quay lại với sử dụng xe buýt. Nhờ vậy, nhiều tài xế, tiếp viên đã thay đổi lối hành xử với hành khách lịch sự, lễ phép.

Ông Trần Chí Trung cũng khẳng định, khi áp dụng phương án tăng giá vé xe buýt, trung tâm cũng sẽ đồng thời chú trọng tăng cường chất lượng phục vụ, cải tiến phương tiện cũng như chấn chỉnh thái độ ứng xử của nhân viên xe buýt...

Trong phương hướng sắp tới, đơn vị cũng sẽ đưa vào vận hành hệ thống vé điện tử thông minh. Một chuyên gia giao thông cho rằng, không thể giữ mãi mức giá 1.000 đồng/vé để Nhà nước phải bù lỗ, nhưng cũng không thể vội vàng tăng giá vé khi hệ thống xe buýt chưa đạt đủ yêu cầu từ số lượng xe đến chất lượng phục vụ.

* Theo đề xuất của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM, vé lượt ở các tuyến xe buýt phổ thông áp dụng cho hành khách thường với cự ly dưới 18km, giá vé sẽ tăng từ 5.000 đồng lên 6.000/lượt. Còn những tuyến có cự ly trên 18km, giá vé tăng từ 6.000 đồng lên 7.000 đồng/lượt.
Riêng đối tượng là học sinh, sinh viên, giá vé lượt đồng hạng là 2.000 đồng/lượt nhưng khi lên xe phải xuất trình thẻ học sinh, sinh viên. Trong năm 2018, đặt ra mục tiêu nâng khối lượng VTHKCC tại TPHCM lên 635 triệu lượt (năm 2017 là 604,1 triệu lượt).
M.Q

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn