MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá xăng có thể lên 30.000/lít: Để "hạ nhiệt" cần giảm thuế ngay

Anh Tuấn LDO | 08/03/2022 18:02

Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít với xăng (trừ ethanol), tức từ 4.000 đồng xuống còn 3.000 đồng. Tuy nhiên, đến nay, việc giảm thuế vẫn chưa được thông qua. Nhiều người cũng đặt câu hỏi số thu từ thuế bảo vệ môi trường được chi để bảo vệ môi trường như thế nào?

Thuế Bảo vệ môi trường chi vào việc gì?

Bộ Tài chính vừa gửi công văn tới các bộ, ngành xin ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường của các mặt hàng xăng, dầu và mỡ nhờn. Cơ quan này dự kiến đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít với xăng (trừ ethanol), tức từ 4.000 đồng xuống còn 3.000 đồng.

Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, giảm thuế bảo vệ môi trường là cần thiết để "hạ nhiệt" giá xăng. Bởi theo tính toán của các doanh nghiệp phân phối xăng dầu, trong kỳ điều chỉnh tới (11.3), giá xăng có thể tăng hơn 3.000 đồng, chạm ngưỡng 30.000 đồng/lít.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường chưa được thông qua. Dư luận, đồng thời cũng đặt câu hỏi số thu từ thuế bảo vệ môi trường được chi để bảo vệ môi trường như thế nào?

Theo đại diện Bộ Tài chính, hiện nay xăng dầu thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Thuế Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2012.

Tại Luật Thuế Bảo vệ môi trường quy định khung mức thuế bảo vệ môi trường và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể theo các nguyên tắc đã được xác định tại Luật. Mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành đối với xăng là 4.000 đồng/lít xăng.

Nhiều người cho rằng cần giảm thuế ngay để “hạ nhiệt” giá xăng. Ảnh: Hải Nguyễn 

Theo Bộ Tài chính, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định: Thu ngân sách nhà nước bao gồm toàn bộ các khoản thu từ thuế, lệ phí.

Nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước là: Các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể.

Trường hợp có khoản thu cần gắn với nhiệm vụ chi cụ thể theo quy định của pháp luật thì được bố trí tương ứng từ các khoản thu này trong dự toán chi ngân sách để thực hiện. Việc ban hành chính sách thu ngân sách phải bảo đảm nguyên tắc cân đối ngân sách trong trung hạn, dài hạn và thực hiện các cam kết về hội nhập quốc tế.

"Như vậy, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, các khoản thu từ thuế, phí và các khoản thu khác trong đó có thuế bảo vệ môi trường được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước.

Đây không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp. Việc quản lý, sử dụng khoản thu này được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và được Quốc hội phê duyệt hàng năm", Bộ Tài chính cho hay,

Điều này được hiểu các khoản thu từ thuế, phí… được thu vào ngân sách và sẽ chi theo dự toán được Quốc hội phê duyệt. Hàng năm, căn cứ vào tình hình ngân sách, Quốc hội sẽ phê duyệt dự toán thu chi ngân sách. Và Ngân sách của nhà nước được chia làm ba phần: chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển và chi trả nợ.

Cần giảm thuế ngay để giảm giá xăng

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị phương án giảm thuế 2.000 đồng/lít, sâu hơn so với đề xuất giảm 1.000 đồng mỗi lít xăng (trừ ethanol).

Thời hạn giảm có thể ngắn hơn, chẳng hạn 3-6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại thay vì áp dụng một mức cố định trong cả 8 tháng, đến hết năm 2022.

Theo VCCI, đề xuất giảm thuế rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu, nguyên nhiên liệu rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tích cực trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.

Một thương nhân đầu mối cho Lao Động biết, giá dầu thế giới từ 1.3 tới nay liên tiếp tăng, có ngày tăng 5-10%, mọi chi phí kéo theo đều tăng. Những ngày qua, ngưỡng biến động đã vượt 10%, là ngưỡng bất thường, đột biến, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Theo Nghị định 83 trước đây, nếu các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt 3% đến 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối có quyền tự tăng giá bán lẻ sau 3 ngày kể từ ngày gửi văn bản báo cáo ban điều hành.

Và nếu các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7%, thì liên Bộ Công Thương - Tài chính phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể. Các thương nhân đầu mối cho rằng, nếu được giảm thuế thì cần làm ngay để "hạ nhiệt" giá xăng, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn