MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá xăng dầu có thể tăng sau quyết định giảm sản lượng của OPEC+

Anh Tuấn LDO | 09/04/2023 12:40
Việc cắt giảm sản lượng của các quốc gia này sẽ khiến giá dầu thế giới thời gian tới có xu hướng tăng, từ đó cũng tác động đến giá xăng dầu trong nước.

Nga, OPEC+ đồng loạt giảm sản lượng

Theo dữ liệu của Bộ Năng lượng Nga, nước này bơm trung bình 1,285 triệu tấn dầu thô mỗi ngày trong tháng ba, tương đương 9,4 triệu thùng dầu mỗi ngày. Như vậy, so với sản lượng 10,1 triệu thùng dầu được bơm mỗi ngày vào tháng hai, sản lượng đã giảm 700.000 thùng.

Hồi đầu tháng ba, Nga cam kết hạn chế sản lượng dầu thô 500.000 thùng mỗi ngày từ tháng ba đến tháng 12 để trả đũa lệnh áp trần giá dầu của phương Tây. Mức giảm tháng trước theo dữ liệu của Bộ Năng lượng Nga đã cao hơn 40% mục tiêu đề ra.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Nga trong tháng Hai là 11,6 tỉ USD, giảm 2,7 tỉ USD so với tháng một. Theo Bộ Tài chính Nga, doanh thu của Nga từ việc bán dầu mỏ chỉ bằng 45% so với cùng kỳ tháng 2.2022.

Dự báo giá xăng dầu có thể tăng sau quyết định giảm sản lượng của OPEC. Ảnh: Cường Ngô 

Trước đó, hôm 2.4, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+ cũng đã đồng ý tự nguyện cắt giảm sản lượng từ tháng 5 tới lên 1,6 triệu thùng mỗi ngày, với mục tiêu ổn định thị trường toàn cầu.

Quyết định bất ngờ này đã đẩy giá dầu tăng vọt và một số chuyên gia dự báo giá dầu có thể trở lại ngưỡng 100 USD/thùng.

Michael Hewson - Trưởng bộ phận phân tích thị trường tại CMC Markets cho biết, có vẻ như OPEC+ muốn giá dầu chạm ngưỡng 90 USD/thùng trong thời gian tới. 

ING dự báo giá dầu Brent nửa cuối năm lên 101 USD/thùng. Goldman Sachs nâng dự báo dầu thô Brent lên 95 USD/thùng vào cuối năm nay.

Còn nhà phân tích Amrita Sen - người sáng lập và Giám đốc nghiên cứu tại Energy Aspects - nhận định giá dầu thế giới có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào cuối năm sau hành động của các nước OPEC+.

Giá xăng trong nước tác động thế nào?

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ khiến giá dầu thế giới thời gian tới có xu hướng tăng, bởi sản lượng giảm đi. Điều này có thể tác động đến giá xăng dầu trong nước thời gian tới tiếp tục tăng.

"Việt Nam đang thực hiện bình ổn giá xăng dầu theo Quỹ bình ổn (BOG), quỹ này chỉ có hiệu quả khi giá xăng dầu biến động không mạnh, một khi giá xăng dầu biến động mạnh thì Quỹ bình ổn không có nhiều tác dụng.

Do vậy, để giảm tác động của giá dầu trên thị trường thế giới, về lâu dài, Việt Nam cần chuyển từ "bình ổn giá" sang "nâng cao dự trữ" xăng dầu quốc gia. 

"Nếu có được nguồn dự trữ xăng dầu từ 3 - 6 tháng thì sẽ có được công cụ điều tiết thị trường tốt hơn khi có biến động mạnh", chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không.

Giá xăng dầu tăng tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Về giải pháp, TS Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, cho rằng, Bộ Công Thương cần có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn cho nền kinh tế.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cần kiến nghị với Chính phủ mở rộng, nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế trong nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn