MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá xăng dự báo tăng mạnh, lo quỹ bình ổn "đuối sức"

Anh Tuấn LDO | 12/07/2021 11:09
Nhiều chuyên gia kinh tế lo rằng, với xu hướng tăng giá xăng dầu liên tiếp như hiện nay thì quỹ bình ổn khó có thể "chống đỡ" được.

Giá xăng dự báo tăng mạnh

Chiều nay (12.7), Liên bộ Tài chính - Công thương sẽ thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ.

Dữ liệu từ Bộ Công thương cho thấy, đến ngày 8.7, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore đều có xu hướng tăng khá mạnh. Cả 2 loại đều vượt trên 80 USD/thùng. Cụ thể, xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 bình quân 15 ngày qua là 83,63 USD/thùng và xăng RON 95 là 85,79 USD/thùng.

Giá xăng trong nước được dự đoán sẽ có đợt tăng mạnh vào chiều nay, tuỳ thuộc vào việc chi và trích lập quỹ bình ổn xăng dầu, giá xăng trong nước được dự đoán có thể tăng từ 500-800 đồng/lít. Nếu vậy, giá xăng E5 và RON95 đều sẽ vượt trên 20.000 đồng/lít.

Giá xăng ngày càng tăng mạnh khiến Quỹ bình ổn dần đuối. Ảnh: CN

Trước đó, ngày 26.6, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 752 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 712 đồng/lít. Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 19.760 đồng/lít và xăng RON 95 là 20.916 đồng/lít.

Như vậy, giá các mặt hàng xăng trong nước có lần tăng thứ hai liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ ngày 30.1.2020. Trong hơn 7 tháng qua (từ ngày 11.11.2020), giá xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 5.875 đồng/lít, còn xăng RON 95 tăng 6.215 đồng/lít.

Liên Bộ Công thương - Tài chính cho biết, từ đầu năm đến nay, Quỹ bình ổn xăng dầu đã chi liên tục với mức chi cao đối với các loại xăng dầu. Trong kỳ điều chỉnh những lần gần đây, nếu không tiếp tục chi Quỹ bình ổn, giá các loại xăng dầu sẽ tăng so với giá hiện hành khoảng 756 đồng/lít/kg-2.337 đồng/lít/kg.

Quỹ bình ổn đang "đuối"

Giá xăng dầu và nhiều nguyên liệu sản xuất trên thế giới tăng dần được cho là tín hiệu tốt cho thấy sự phục hồi của các ngành, lĩnh vực kinh tế. Nhưng kèm theo đó là lo ngại lạm phát quay lại, trước mắt là "nhập khẩu" lạm phát, như với xăng dầu, phân bón.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng lo ngại với xu hướng tăng giá thế giới như hiện nay, quỹ bình ổn khó có thể "chống đỡ" được. Theo thống kê của Bộ Tài chính, đến thời điểm hiện tại, số dư Quỹ BOG tính đến hết ngày 31.3.2021 còn 5.340,068 tỉ đồng. Từ ngày 1.1.2021 đến hết ngày 31.3.2021, tổng số trích Quỹ BOG là 62,234 tỉ đồng. Tổng số sử dụng Quỹ BOG là 3.936,486 tỉ đồng.

Còn tại Petrolimex, trước thời điểm 15 giờ chiều 26.6.2021, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hình thành tại Petrolimex chỉ còn 115 tỉ đồng, giảm đáng kể so với cuối năm 2020 (trước thời điểm 16 giờ ngày 11.12.2020, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hình thành tại Petrolimex là 3.850 tỉ đồng).

Ông Bùi Ngọc Bảo - quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, hiện nhiều nước đã kiểm soát được dịch, đẩy mạnh tiêm vaccine và mở cửa thị trường để phát triển kinh tế khiến nhu cầu sử dụng xăng dầu tăng cao.

"Khi giá quốc tế quá cao cũng không thể không tăng giá và quỹ bình ổn không có khả năng đáp ứng. Đặc biệt khi hiện nay biến động giá thay đổi liên tục, nên quỹ cần vận hành theo đúng tinh thần tránh tăng giá sốc nhưng quỹ cũng không phải là túi tiền để mãi bình ổn giá xăng dầu", ông Bảo nói.

Trao đổi với Lao Động, một thương nhân phân phối xăng dầu (đề nghị giấu tên) cho biết, theo quy định tại Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, mỗi lít xăng dầu trước khi bán ra thị trường được trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng. Việc trích lập quỹ thế này đang khiến người tiêu dùng thiệt thòi. Bởi bản chất của vấn đề là chính người dân đang phải ứng tiền túi trước cho quỹ.

"Xuất phát từ góc độ của người tiêu dùng, người tiêu dùng phải ứng tiền ra trước cho doanh nghiệp, rồi sau đó bù lại cho người tiêu dùng thì hỏi rằng có lợi ở đâu.

Quỹ bình ổn xăng dầu dương có nghĩa là đã thu trước tiền của dân. Nhưng lúc nào quỹ âm (tiền của doanh nghiệp) thì họ kêu trời kêu đất. Điều này rất dễ xảy ra tình trạng hỗn loạn thị trường, không có xăng dầu để bán", thương nhân này nói.

Còn ở góc độ doanh nghiệp đầu mối - họ "thích" duy trì quỹ bình ổn vì có lợi cho họ, còn với những thương nhân mua lại để bán thì cơ hội kinh doanh bị triệt tiêu.

"Những đơn vị mua lại như chúng tôi không thể phán đoán được doanh nghiệp đầu mối sẽ sử dụng quỹ như thế nào, doanh nghiệp trung gian không dám mua. Ví dụ hôm nay, chúng tôi mua vào, nhưng ngày mai doanh nghiệp đầu mối lại sử dụng quỹ thì chúng tôi chết", thương nhân này cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn