MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xăng, dầu giảm sâu, song chủ xe vẫn gặp khó khăn dù cước vận tải vẫn giữ nguyên. Ảnh: Hải Nguyễn

Giá xăng giảm, DN vận tải vẫn kêu khó khăn: Cần sự điều tiết của Nhà nước

Cao Nguyên - Đặng Tiến LDO | 12/05/2020 14:11
Giá xăng, dầu trong nước đang giảm sâu, ở mức thấp kỷ lục trong hơn 10 năm qua, thế nhưng giá cước vận tải vẫn không có dấu hiệu giảm bởi doanh nghiệp vận tải vẫn than khó. Để giảm chi phí hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Sở Giao thông - Vận tải chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh khai thác bến xe, xem xét giảm các loại chi phí dịch vụ trong bến xe từ nay cho đến hết năm 2020.

Phải điều tiết để ai cũng được lợi

Vào cuối tháng 4, giá xăng dầu tiếp tục giảm lần thứ 8, xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm. Theo đó, giá xăng E5 RON92 10.942 đồng/lít, xăng RON95 11.631 đồng/lít, dầu Diesel 9.941 đồng/lít. Tổng cộng sau 8 lần giảm giá, giá xăng dầu hiện nay đã thấp hơn từ 40-49% so với thời điểm đầu năm 2020. Xăng dầu giảm giá sâu là niềm vui với người làm dịch vụ vận tải, nhưng cũng khiến không ít người dân thắc mắc vì giá vận tải không có xu hướng giảm…

Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách giảm chi phí, tăng doanh thu và lợi nhuận để từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh, mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã có yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam khẩn trương làm việc với các địa phương và doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải để tổng hợp số liệu về thiệt hại đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong thời gian dịch bệnh để đề xuất phương án giảm phí sử dụng đường bộ, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 15.5.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Sở GTVT chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận chuyển hành khách với cơ quan tài chính địa phương theo hướng phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân. Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh khai thác bến xe chủ động nghiên cứu, xem xét giảm các loại chi phí dịch vụ trong bến xe từ nay cho đến hết năm 2020.

Trước việc này, phía các đơn vị, cá nhân kinh doanh vận tải đưa ra nguyên nhân do dịch bệnh còn nhiều khó khăn nên chưa tính tới chuyện giảm giá cước. Một số DN taxi tại Hà Nội cho rằng, tình hình chung của taxi trong những ngày này vẫn ít khách do tâm lý e ngại của nhiều người dân. Mặt khác, các chi phí như: Phí đăng kiểm, phí đường bộ, khấu hao tài sản không đổi; lại phát sinh thêm các khoản như mua khẩu trang, dung dịch sát khuẩn… nên dù giá nhiên liệu giảm cũng không bớt được bao nhiêu chi phí.

Anh Đỗ Đức Hùng - tài xế taxi - chia sẻ, với giá nhiên liệu như hiện nay, cứ 100km tiết kiệm được 60.000 đồng. Theo đó, bình quân mỗi ngày làm việc bớt được khoảng 120.000 đồng chi phí xăng dầu.

Bất cập gây ảnh hưởng dây chuyền

Theo một số hãng taxi tại Hà Nội, khi giá xăng tăng mạnh, các DN cũng không tăng giá cước. Vì, giá cước vận tải phụ thuộc vào nhiều chi phí khác ngoài xăng. Đồng thời, giá xăng liên tục thay đổi theo chu kỳ 15 ngày mỗi đợt, nếu các DN vận tải muốn điều chỉnh lại phải mất tiền, mất thời gian đưa phương tiện đi kẹp lại đồng hồ, kê khai lại giá…

Ngoài ra, giá xăng giảm làm giảm gánh nặng cho DN vận tải, nhưng các chi phí khác như lãi suất ngân hàng, chi phí bến bãi… vẫn phải trả trong bối cảnh sụt giảm nguồn thu. Ngoài ra, có những khoản chi phí khác phát sinh mùa dịch như phí bảo hộ lao động, khẩu trang, dung dịch rửa tay, phun khử khuẩn phương tiện thường xuyên.

Nhiều chuyên gia cho rằng, xăng dầu là một mặt hàng đặc biệt, không chỉ chiếm một phần quan trọng trong cơ cấu giá thành vận tải mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tác động đến nhiều mặt hàng, ngành nghề liên quan. Khi giá xăng tăng, giá các mặt hàng dịch vụ tăng. Nhưng ngược lại, giá xăng giảm sâu một thời gian rồi mà giá dịch vụ vận tải không đổi, thậm chí vẫn có xu hướng tăng là một điều bất cập, ảnh hưởng dây chuyền đến cả việc tăng giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu khác của xã hội.

Lý giải cho câu hỏi nêu trên, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - nói rằng, về lâu dài, các DN vận tải hành khách và hàng hóa cần phải có mức giảm giá để khuyến khích người tiêu dùng nội địa.

“Trong khi giá xăng dầu đã được Nhà nước điều chỉnh theo biên độ 15 ngày/lần thì giá cước vận tải lại gần như bị “bỏ quên”. Chúng ta cần bàn tay điều tiết của cơ quan quản lý. Và đơn vị này phải thể hiện rõ vai trò của mình hơn nữa khi xăng, dầu lên xuống thì giá cước vận tải cũng sẽ tăng giảm hợp lý hơn” - ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cho biết thêm, khi giá xăng dầu tăng, các hãng vận tải đều có ý kiến muốn tăng giá cước, nhưng lúc giảm thì không có DN nào tình nguyện, đó là tâm lý chung.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn