MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cửa khẩu biên giới Việt - Trung tại Lào Cai đã mở cửa hoàn toàn. Ảnh: Văn Đức

Giải bài toán cạnh tranh khi Trung Quốc mở cửa biên giới: Cơ hội song hành cùng thách thức

Lan Nhi LDO | 11/01/2023 08:02
Bên cạnh những mặt tích cực, việc nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu là Trung Quốc mở cửa biên giới đường bộ trở lại từ ngày 8.1.2023, đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải bước vào cuộc đua cạnh tranh khốc liệt.

Chủ động "bắt mạch" thị trường 

Ông Đặng Phúc Nguyên - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết, việc thông quan thuận lợi với thị trường Trung Quốc, giá cả các mặt hàng trái cây, nông sản của Việt Nam dự báo tăng lên và tăng mạnh đối với những mặt hàng xuất khẩu truyền thống.

Dự kiến năm 2023, hai mặt hàng xuất khẩu là thanh long, sầu riêng Việt Nam sẽ đứng vào nhóm mặt hàng tỉ USD.

Dù vậy ông Đặng Phúc Nguyên cũng đưa ra khuyến cáo, Trung Quốc là thị trường khó tính, tiêu chuẩn khắt khe nên người dân, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định, tránh vi phạm.

Việt Nam đang có 5 sản phẩm nguồn gốc thực vật xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức ký kết nghị định thư gồm măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang.

Đồng thời, có 7 mặt hàng trái cây xuất khẩu dạng truyền thống được cho phép là xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm và mít.

Tương tự, bà Lý Kim Chi (Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TPHCM) thông tin, nhiều doanh nghiệp đã và đang khai thác thị trường Trung Quốc họ vẫn theo dõi rất sát sao.

Theo bà Lý Kim Chi, kể cả vừa qua có quy định mới về nhãn hàng, chất lượng kỹ thuật của hàng hóa, nhiều doanh nghiệp cũng phải nhanh chóng cập nhật, theo kịp quy định của Trung Quốc. 

Cơ hội song hành cùng thách thức

Theo dự báo từ VNDirect, việc Trung Quốc mở cửa biên giới đường bộ từ ngày 8.1.2023 sẽ là một trong những động lực lớn nhất hỗ trợ cho việc tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, dệt may và caosu Việt Nam. Đặc biệt, những doanh nghiệp có tỉ trọng doanh thu và thị phần lớn ở thị trường này sẽ là những doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, sự mở cửa của nền kinh tế Trung Quốc sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam xuất, mua hàng dễ hơn, giúp cho hàng hóa thông quan nhanh hơn, giảm đáng kể chi phí vận chuyển. Chiều ngược lại cũng đặt các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với thách thức, cạnh tranh mạnh mẽ trong thời gian tới.

Để tận dụng cơ hội này, các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam nên có sự chuẩn bị kỹ từ nhân sự, nguồn lực và đối tác.

Bên cạnh đó còn là sự kịp thời từ các chính sách và sự sẵn sàng của các doanh nghiệp, địa phương.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2022 Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, máy tính, linh kiện, máy móc, phụ tùng là những nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường này.

Vì vậy, việc Trung Quốc mở cửa biên giới ngày 8.1.2023, doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp thách thức không hề nhỏ khi thực hiện mục tiêu nội địa hóa 65 - 70% trong các năm tới, thách thức khi Việt Nam đang phải nhập khẩu đầu vào quá nhiều.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp Việt phải bước vào cuộc đua khốc liệt, vì những ngành hàng Việt Nam có lợi thế để xuất khẩu ra thế giới thì Trung Quốc đã có lợi thế cạnh tranh rất lớn, khi thị trường ngày càng bị thu hẹp, tổng cầu giảm... 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn