MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhờ cắt giảm thủ tục hành chính, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu đối với hàng xuất khẩu hiện đã giảm 03 giờ. Ảnh Khánh Hoà

Giải bài toán giảm thủ tục mà không buông lỏng quản lý

Lâm Anh LDO | 22/11/2018 16:03

Hàng trăm thủ tục hành chính được cắt giảm, doanh nghiệp (DN) chỉ cần ngồi nhà vẫn nộp được thuế, thời gian thông quan giảm mạnh. DN được lợi nhưng ít ai biết đằng sau đó là rất nhiều nỗ lực của ngành Hải quan cũng như các bộ ngành liên quan nhất là khi đơn giản thủ tục nhưng không được phép buông lỏng quản lý. 

"Nới" thủ tục tạo thuận lợi cho DN 

Trao đổi với báo Lao Động ông Kim Long Biên, Vụ trưởng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Cải cách, hiện đại hóa hải quan cho biết nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai để hiện đại hoá ngành hải quan, mạnh tay cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi cũng như cắt giảm chi phí cho DN.

Theo đó, từ 239 TTHC trước khi có Luật Hải quan 2014 hiện đã giảm xuống còn 183 TTHC trong đó phần lớn đã được đơn giản hóa về hồ sơ giấy tờ, phương thức thực hiện hầu hết được điện tử hóa. Không chỉ vậy, vừa qua Tổng cục Hải quan đã đề xuất cắt giảm 15/31 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hải quan. 

Từ năm 2014, ngành đã triển khai quản lý, vận hành có hiệu quả Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS với 100% Chi cục Hải quan thực hiện, vận hành 24/7 với 99% thủ tục hải quan qua Hệ thống này. Đến nay, đã có 11 Bộ, ngành tham gia Cơ chế một cửa quốc gia với 68 TTHC được kết nối. Hải quan cũng triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tối thiểu mức độ 3 trở lên đối với 173/183 TTHC (chiếm hơn 94,5% số lượng TTHC), trong đó, có 164 TTHC được cung cấp DVCTT mức độ 4 đồng thời ký kết với 38 ngân hàng để thu thuế điện tử, trong đó có 24 ngân hàng đã thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử 24/7. Nhờ đó, giảm thời gian nộp thuế từ 2 ngày xuống còn 15 phút.

Thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu đối với hàng XK hiện đã giảm 03 giờ; đối với hàng NK giảm 06 giờ trong đó, thời gian tác nghiệp của Hải quan chỉ chiếm 11% đối với hàng nhập và 4% đối với hàng xuất trong tổng số thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới.

Chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 01 lô hàng giảm 19 USD. Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, DN tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan và trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng XK (với 5,36 triệu tờ khai XK) và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng NK (với 5,72 triệu tờ khai NK). 

Nhưng không lỏng quản lý 

Theo đại diện Tổng cục Hải quan, song song với việc đơn giản hoá các thủ tục ngành Hải quan phải tăng cường nhiều biện pháp giám sát chủ động từ xa cũng như hậu kiểm để không sót lọt vi phạm.

Hoạt động của máy soi container di động tại cảng Green Port, Hải Phòng.

Nhiều phương pháp quản lý hải quan hiện đại được áp dụng như đẩy mạnh quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chủ động phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành để cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK đồng thời hiện đại hóa trang thiết bị giám sát hải quan; kết nối hệ thống camera giám sát tại phòng giám sát trực tuyến tới các cửa khẩu đảm bảo công tác chỉ huy của Tổng cục và giám sát, thường xuyên, liên tục 24/7...

Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Hải quan cũng thừa nhận vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình cải cách TTHC như tỷ lệ tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tổ chức, cá nhân còn thấp, còn tồn tại nhiều văn bản pháp luật quy định về kiểm tra chuyên ngành dẫn đến chồng chéo, khó thực hiện trong thực tế. Nhiều thủ tục xin giấy phép và cấp chứng nhận trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn thực hiện thủ công nên mất nhiều thời gian thực hiện. Số lượng TTHC của các Bộ, Ngành đã được thực hiện cắt giảm qua cơ chế một cửa quốc gia còn thấp dẫn đến DN mất thời gian cho thủ tục liên quan. Một số bộ còn chậm đưa các TTHC liên quan đến hoạt động XNK lên cơ chế một cửa quốc gia từ đó đã giảm hiệu hiệu quả trong hoạt động CCHC.

Được biết, hiện ngành hải quan đang tiếp tục cải cách thể chế và quy trình thủ tục đảm bảo hành lang pháp lý cho việc triển khai các hiệp định tự do thế hệ mới (như CPTTP, EVFTA…), triển khai Chính phủ điện tử trong ngành Hải quan, đẩy mạnh ứng dụng CNTT thông tin, hoàn thiện hệ thống nộp thuế 24/7, hệ thống giám sát hàng hóa tự động tại kho, bãi, cảng nhằm phục vụ tốt hơn, tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động XNK....

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn