MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nền tảng xuyên biên giới đã đóng thuế gần 5.000 tỉ đồng trong các năm qua. Ảnh minh hoạ: Đ.TR

Giải bài toán thất thu thuế với các nền tảng xuyên biên giới

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 18/03/2022 11:13

Tổng cục Thuế chuẩn bị khai trương cổng thông tin điện tử về kê khai thuế xuyên biên giới. Công cụ này được kỳ vọng sẽ giải được bài toán thất thu thuế từ các nền tảng xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam.

"Đau đầu" về thất thu thuế với nền tảng xuyên biên giới

Mới đây, trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua việc quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, theo quy định hiện hành được thực hiện thu thuế thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài) với số thu trung bình trên 1.000 tỉ đồng/năm.

Theo Bộ trưởng, từ năm 2018 đến hết tháng 12.2021, các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là hơn 4.400 tỉ đồng. Một số tập đoàn lớn như Facebook là 1.694,77 tỉ đồng; Google là 1.618,42 tỉ đồng; Microsoft là 576,62 tỉ đồng. Năm 2020 số thu thuế từ dịch vụ số xuyên biên giới đạt 1.143,76 tỉ đồng, năm 2021 đạt 1.317,78 tỉ đồng (tức đạt 115,2% so với năm 2020)

Trước đó, phía Tổng cục Thuế cho hay, hiện có 15 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới hoạt động xuyên biên giới có thu nhập lớn tại Việt Nam. Trong đó, chỉ riêng doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam là khoảng 1 tỉ USD, bộ đôi Google và Facebook chiếm hơn 80%, tức hơn 800 triệu USD, theo báo cáo của Vietnam Digital Marketing Trends 2021.

Trong khi đó, dù thu hàng tỉ USD doanh thu mỗi năm, nhưng số tiền thuế Việt Nam thu được từ 15 tập đoàn trên rất ít ỏi, chỉ hơn 1.000 tỉ đồng/năm. Đặc biệt, số tiền này không phải do họ chi trả, mà buộc các nhà thầu, đại lý phải nộp, kê khai nộp thuế nhà thầu thông qua tổ chức chi trả tại Việt Nam.

Vấn đề thu thuế từ các nền tảng xuyên biên giới là bài toán đau đầu với cơ quan quản lý trong thời gian dài. Một chuyên gia kinh tế tài chính cho rằng, số thuế thu được chưa tương xứng với doanh thu của các nền tảng trên. Với mô hình hoạt động xuyên biên giới, không có pháp nhân quản lý ở Việt Nam, việc quản lý, giám sát, thu thập thông tin số liệu rất khó khăn, khiến việc kê khai thuế, tính thuế và nộp thuế không được chính xác và thực chất đây là hành vi trốn thuế.

Một cổng khai thuế riêng

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đã chỉ đạo Tổng cục Thuế xây dựng cổng thông tin điện tử về kê khai thuế xuyên biên giới. Ngày 21.3, Tổng cục Thuế sẽ khai trương cổng thông tin điện tử này để doanh nghiệp nước ngoài khi bán hàng xuyên biên giới có thể trực tiếp kê khai thuế, nộp thuế.

Tại đây, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có được những hướng dẫn cụ thể về nộp thuế trên môi trường mạng, kinh doanh thương mại điện tử hay sàn giao dịch online. Cơ quan thuế cũng đang nghiên cứu phát triển ứng dụng để tự động tính thuế và nộp thuế online. Ngành thuế đang chỉ đạo xây dựng trung tâm dữ liệu điện tử về thuế, áp dụng AI trong phân tích dữ liệu để phát hiện rủi ro trọng yếu trong thu thuế.

Ông Mai Sơn - Cục trưởng Cục Thuế TP.Hà Nội - cho biết, năm 2022 sẽ chú trọng nắm bắt những phương thức sản xuất kinh doanh mới, đặc biệt là các hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số để có những đề xuất về chính sách và phương pháp quản lý hiệu quả, qua đó mở rộng nguồn thu, chống xói mòn cơ sở thuế.

Cục Thuế TP.Hà Nội đã nhận diện 5 nhóm kinh doanh thương mại điện tử để triển khai các biện pháp quản lý thuế trong thời gian tới, bao gồm nhóm có thu thập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook,…; Nhóm kinh doanh bán hàng online; Nhóm kinh doanh cho thuê nhà trực tuyến qua ứng dụng; Nhóm tổ chức, cá nhân chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài và Nhóm doanh nghiệp điều hành sàn giao dịch thương mại điện tử như Sendo, Lazada, Shopee..., điều hành các ứng dụng (App) trung gian thanh toán, app trung gian vận chuyển.

Thời gian qua, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số có điều kiện tăng trưởng mạnh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Chính vì vậy, để tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động này, Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cục thuế yêu cầu tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp trong quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam.

Cùng với đó, ngành thuế cũng chú trọng tới việc thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực thương mại điện tử, Tổng cục Thuế cũng đã yêu cầu các Cục Thuế rà soát dữ liệu về các tổ chức, cá nhân có thu nhập nhận được từ các trang mạng xã hội như Google, Facebook, Youtube,… để có thông báo yêu cầu kê khai, nộp thuế. Trường hợp các tổ chức, cá nhân cố ý không kê khai, nộp thuế thì cơ quan thuế phối hợp với ngân hàng thương mại để truy xuất dòng tiền, thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định.

Hiện tại, phía Tổng cục Thuế cho biết, đến thời điểm này việc xây dựng, vận hành thử nghiệm Cổng thông tin điện tử cho nhà cung cấp ở nước ngoài đã hoàn thành và sẵn sàng vận hành chính thức. Sau khi đi vào vận hành, tất cả các giao dịch từ đăng ký, kê khai, nộp thuế… được thực hiện bằng hình thức trực tuyến, nhà cung cấp không phải nộp hồ sơ bản cứng đến cơ quan thuế Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn