MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mặc dù xuất khẩu giảm dần theo từng quý, nhưng điểm sáng là nhập khẩu giảm mạnh hơn. Ảnh: Hải Nguyễn

Giải bài toán thúc đẩy tổng cầu nền kinh tế Việt Nam

Hương Nguyễn LDO | 15/07/2023 08:00

Phục hồi, thúc đẩy tổng cầu bằng cách nào là câu chuyện làm đau đầu nhà quản lý và giới chuyên gia. PGS.TS Phạm Thế Anh - Giảng viên trường Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cho rằng: “Chính sách tiền tệ hạ lãi suất dồn dập nhưng chưa chắc kích thích đầu tư. Ở Việt Nam, chính sách có độ trễ trong thẩm thấu vào nền kinh tế”.

Vốn dư thừa nhưng doanh nghiệp không đầu tư được

Kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Nghịch lý được GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - chỉ ra: “Ngân hàng đã 4 lần giảm lãi suất, tích cực hỗ trợ nguồn vốn để dành cho doanh nghiệp, có lẽ vốn lúc này không thiếu, thậm chí dư thừa, doanh nghiệp rất sẵn sàng đầu tư nhưng lại không đầu tư được”.

Tóm tắt về bức tranh kinh tế Việt Nam hiện nay, PGS.TS Phạm Thế Anh - Giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân - nhận định: “Tăng trưởng kinh tế hồi phục nhẹ nhưng nguy cơ tăng trưởng thấp. Khu vực công nghiệp đang chịu ảnh hưởng mạnh, ba tổng cầu suy yếu, lạm phát giảm nhanh, các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU đều có xu hướng duy trì lãi suất cao”.

Lạm phát bắt đầu giảm mạnh từ cuối năm 2022, điều này thể hiện sức cầu yếu của nền kinh tế. Từ quý IV/2022 đến quý I/2023, thị trường chứng khoán, bất động sản đều sụt giảm kéo theo tiêu dùng giảm nhanh. Cung tiền trong năm qua tăng chậm, lãi suất neo ở mức cao. Lạm phát lõi đang giảm chậm, trung bình 6 tháng đầu năm vẫn ở mức 4,7%.

Phân tích kỹ hơn về tổng cầu thì hiện cả 3 động lực đều suy yếu. Hầu hết các yếu tố cấu thành tổng cầu đều ghi nhận mức tăng trưởng chậm.

Ngoại trừ đầu tư công tăng khá còn các đầu tư khác đều sụt giảm mạnh. Đầu tư nhà nước dù có tăng nhưng vẫn thấp dưới xa với mục tiêu do vướng mắc pháp lý, giá nguyên vật liệu cao khiến nhà đầu tư không mặn mà đầu tư công.

Đầu tư tư nhân tăng chậm do lãi suất cao, khó tiếp cận tín dụng, khó tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán. Niềm tin trên thị trường giảm sút nên nhà đầu tư không mặn mà.

Đầu tư nước ngoài tương đối ổn định nhưng dòng vốn FDI không thể kỳ vọng hỗ trợ nền kinh tế do điều kiện xuất khẩu hiện nay khó có đột phá.

“Mặc dù xuất khẩu giảm dần theo từng quý, nhưng điểm sáng là nhập khẩu giảm mạnh hơn nên Việt Nam vẫn duy trì xuất siêu hàng hóa” - PGS.TS Phạm Thế Anh - Giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân - nhận định.

Doanh nghiệp Việt Nam hiện chưa tận dụng được lợi thế từ FTA, các doanh nghiệp vẫn nhập nguyên liệu về gia công, nên vướng mắc về điều kiện xuất xứ hàng hoá. Việt Nam đang đối mặt suy giảm đơn hàng từ nước ngoài tạm thời do suy thoái tổng cầu trên thế giới mà còn có khả năng mất hẳn đơn hàng.

Giải pháp nào cho nền kinh tế

Bàn về giải pháp, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng: “Cần kích cầu có chọn lọc và có chính sách kích cầu. Nguyên tắc kích cầu là cần kịp thời bởi ở Việt nam chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ có độ trễ khá lớn. Có khi nền kinh tế đã chuyển sang trạng thái khác rồi thì chính sách mới thực sự thẩm thấu vào thị trường. Nguồn lực dư địa chính sách không còn nhiều. Cần tránh bất ổn gây ra do các chính sách kích cầu như lạm phát, tỉ giá, bong bóng tài sản.

Các biện pháp chính sách tức thời nên hướng vào đối tượng chi tiêu cao, hướng vào hàng hoá nội địa. Khuyến khích đầu tư tư nhân, hạ lãi suất cho vay. Sau những động thái hạ lãi suất quyết liệt đã chạm tới điểm hạn của chính sách tiền tệ. Việc hạ lãi suất giúp doanh nghiệp hạ chi phí vốn nhưng cần tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp”.

Về chính sách tài khóa, GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, để phát huy hiệu quả cũng cần tái cấu trúc. “Ở đây không chỉ dừng lại giữa việc phân bổ đầu tư trung ương với đầu tư địa phương để tập trung vốn, mà có lẽ phải nghĩ đến chính sách tài khóa của Chính phủ hỗ trợ cho việc tái cấu trúc nền kinh tế và tái cấu trúc tổng cầu và cung, nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển mạnh hơn” - GS.TS Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn